Hoàng Anh - Tổng hợp

Các phương pháp và thiết bị chẩn đoán hệ thống phanh trên ô tô (Phần 2)

(News.oto-hui.com) – Hệ thống phanh là một hệ thống có vai trò vô cùng quan trọng, giúp người lái kiểm soát được chiếc xe và đảm bảo an toàn cho người ngồi trong xe. Cùng tìm hiểu các phương pháp và thiết bị chẩn đoán hệ thống phanh trên xe ô tô thông qua bài viết này nhé.

Như đã tìm hiểu ở phần 1, dưới đây là phần 2 nói về việc chẩn đoán hệ thống phanh:

VI. Chẩn đoán cơ cấu phanh:

Cơ cấu phanh được chẩn đoán thông qua các biểu hiện chung khi xác định trên toàn xe. Phương pháp này hiệu quả và chính xác hơn cả là nhờ việc xác định lực phanh hay mômen phanh ở các bánh xe bằng bệ thử.

Trên xe vận tải lớn và trung bình sử dụng phanh tang trống có lỗ kiểm tra khe hở má phanh tang trống để xác định trạng thái của phanh.

Thực hiện quan sát các hiện tượng sau:

  • Quan sát bằng mắt thấy các hiện tượng rò rỉ dầu phanh ở gần khu vực xylanh bánh xe.
  • Quan sát sự hoạt động cam quay ở hệ thống phanh khí nén.

Thực hiện kiểm tra sự lăn trơn bằng cách kích nâng và quay các bánh xe. Xác định sự va chạm của má phanh với tang trống hoặc đĩa phanh. Kiểm tra qua hiện tượng rò rỉ khí nén khi đạp phanh.

Kiểm tra hiện tượng bó phanh bằng cách xác định nhiệt độ của tang trống hoặc đĩa phanh sau khi thử phanh trên đường thông qua mùi khét cháy của tấm ma sát (mùi khét đặc trưng).

Kiểm tra sự lăn trơn toàn xe khi thử trên đường bằng cách ngắt ly hợp hay nhả hộp số về số 0. Đưa ra nhận xét và đánh giá theo kinh nghiệm sử dụng.

Đối với các cơ cấu phanh có đặc điểm riêng, có thể kiểm tra các cơ cấu sau:

1. Cơ cấu phanh thủy lực có bộ liên động với phanh tay:

Thực hiện kích bánh xe, kiểm tra trạng thái bó cứng phanh của các bánh xe thông qua các trạng thái: phanh bằng phanh chân, phanh bằng phanh tay và khi thôi phanh.

2. Cơ cấu phanh đĩa:

Trên ôtô con dùng cơ cấu phanh đĩa có gắn thêm miếng kim loại báo hết má phanh. Khi má phanh bị mòn tới giới hạn phải thay, miếng kim loại này sẽ cọ sát với đĩa phanh, tóe tia lửa và phát tiếng va chạm báo hiệu. Tiếng va chạm cọ sát này có thể nhận biết được khi phanh hay quay khi kích nâng bánh xe.

Kiểm tra độ mài mòn má phanh của cơ cấu phanh đĩa
Kiểm tra độ mài mòn má phanh của cơ cấu phanh đĩa.

3. Cơ cấu phanh guốc:

Cơ cấu phanh guốc cam quay có bầu phanh tích năng và tự động điều chỉnh khe hở má phanh tang trống. Cơ cấu phanh loại này thường dùng phổ biến trên xe buýt và xe tải hiện đại. Khi kiểm tra chất lượng cần phải tiến hành cho động cơ nổ máy tới áp suất khí nén làm việc, mở van phanh tay rồi mới xác định khả năng lăn trơn của bánh xe.

Cơ cấu phanh có tự động điều chỉnh khe hở, bầu phanh tích năng (Kỹ thuật chẩn đoán ô tô - Nguyễn Khắc Trai)
Cơ cấu phanh có tự động điều chỉnh khe hở, bầu phanh tích năng (Kỹ thuật chẩn đoán ô tô – Nguyễn Khắc Trai)

VII. Đặc điểm chẩn đoán các loại hệ thống phanh:

1. Đối với hệ thống phanh thủy lực:

Do đặc điểm truyền năng lượng điều khiển cơ cấu phanh là chất lỏng nên khi chẩn đoán cần phải xác định trạng thái kỹ thuật của hệ thống thông qua các hiện tượng sau:

  • Sự rò rỉ chất lỏng dẫn động.
  • Sự lọt khí vào hệ thống dẫn động.
  • Hư hỏng các van điều tiết chất lỏng.
  • Vấn đề bao kín các khu vực không gian chứa chất lỏng.

Việc chẩn đoán có thể tiến hành bằng việc quan sát bằng mắt các vết rò rỉ của dầu phanh. Tốt nhất là dùng đồng hồ đo áp suất ở những vị trí có thể đo được như sau xylanh chính, ở xylanh bánh xe.

Hiện tượng giảm áp suất so với tiêu chuẩn có thể là do các nguyên nhân đã nêu ở trên. Nhất là hiện tượng hư hỏng do mòn các gioăng, phớt bao kín các không gian chứa chất lỏng. Đồng thời cũng cần chú ý thêm những nguyên nhân dưới đây:

  • Do sai lệch các đòn dẫn động.
  • Tắc bẹp đường dẫn dầu.
  • Vỡ đường ống.
  • Thiếu dầu hoặc tắc lỗ dầu tại bình chứa dầu…

a. Với hệ thống phanh có bộ điều hòa lực phanh:

Để tiến hành đo cần sử dụng các đồng hồ đo có trị số đo lớn nhất đến 100 kG/cm2. Việc thực hiện đo được tiến hành nhờ tháo các đường ống dẫn dầu ra các cầu, lắp vào các đồng hồ đo áp suất, xả không khí trong hệ thống và bổ sung đủ dầu phanh. Khi đo, đạp phanh và theo dõi sự tăng áp lực dầu và xác định áp suất đường dầu sau xylanh chính và áp suất đường dầu ra cầu sau trên bộ điều chỉnh lực phanh ở hai trạng thái:

  • Tương ứng mức độ bàn đạp chân phanh nhỏ. Khi bộ điều hoà chưa thực hiện điều chỉnh (với áp suất nhỏ), áp suất dẫn ra cầu sau và trước là như nhau.
  • Tương ứng mức độ bàn đạp chân phanh lớn. Khi bộ điều hoà thực hiện điều chỉnh (với áp suất cao), áp suất dẫn ra cầu sau thấp hơn áp suất dẫn ra cầu trước.
Chẩn đoán sự làm việc của bộ điều hòa lực phanh (Kỹ thuật chẩn đoán ô tô - Nguyễn Khắc Trai)
Chẩn đoán sự làm việc của bộ điều hòa lực phanh (Kỹ thuật chẩn đoán ô tô – Nguyễn Khắc Trai)

Khi bộ điều hòa có một đường dẫn dầu ra cầu sau chỉ cần dùng một đồng hồ đo áp suất ra cầu sau.

Việc đánh giá kết quả tuỳ thuộc vào thông số chuẩn do nhà sản xuất quy định. Nhờ việc đo áp suất có thể xác định khả năng làm việc của bộ điều hoà trên ô tô. Các thông số kiểm tra áp suất của bộ điều hòa trên các xe cùng loại có thể không giống nhau. Vì thế công việc này cần có tài liệu cụ thể.

b. Với hệ thống phanh có trợ lực chân không:

Một số hư hỏng thường xuất hiện trong hệ thống trợ lực chân không là:

  • Hỏng van một chiều nối giữa nguồn chân không và xy lanh trợ lực.
  • Van mở trợ lực bị mòn, nát, hở.
  • Màng cao su bị thủng.
  • Hệ thống bị hở.
  • Dầu phanh lọt vào xy lanh.
  • Tắc, bẹp do sự cố bất thường.
  • Nguồn chân không bị hỏng (trên động cơ phun xăng, hay diezel).

Các biểu hiện hư hỏng xuất hiện như sau:

  • Rò rỉ dầu phanh ra khu vực bộ cường hoá.
  • Lực trên bàn đạp tăng cao.
  • Hành trình tự do của bàn đạp bị giảm nhỏ.
  • Hiệu quả cường hoá không còn.
Chẩn đoán sự làm việc của bộ trợ lực chân không (Kỹ thuật chẩn đoán ô tô - Nguyễn Khắc Trai)
Chẩn đoán sự làm việc của bộ trợ lực chân không (Kỹ thuật chẩn đoán ô tô – Nguyễn Khắc Trai)

Các phương pháp chẩn đoán:

  • Thực hiện nổ máy đạp phạnh 3 lần đạt được hành trình đồng nhất.
  • Khi động cơ không làm việc, tiến hành đo hành trình tự do. Đặt chân lên bàn đạp phanh, giữ nguyên chân phanh trên bàn đạp, nổ máy, bàn đạp phanh có xu thế thụt xuống một đoạn nhỏ nữa chứng tỏ hệ thống cường hoá làm việc tốt.
  • Đo lực đặt trên bàn đạp tới khi đạt giá trị lớn nhất. So sánh với giá trị tiêu chuẩn, khi lực bàn đạp lớn chứng tỏ hệ thống có hư hỏng ở phần nguồn chân không (máy hút chân không hỏng, hở đường ống chân không tới xylanh cường hoá) hay van một chiều. Khi lực bàn đạp tăng quá cao chứng tỏ hệ cường hoá bị mất hiệu quả.
  • Khi làm việc có hiện tượng mất cảm giác tại bàn đạp phanh. Có giai đoạn bị quá nặng hay quá nhẹ (hẫng chân phanh) chứng tỏ van cường hoá sai lệch vị trí hoặc bị hỏng (mòn, nở, nát đế van bằng cao su).
  • Khi phanh mất hết cảm giác đạp phanh, muốn rà phanh mà không được. Chứng tỏ van một chiều bị kẹt, vị trí van cường hoá bị sai lệch.
  • Trên động cơ xăng có chế hoà khí khi bị hở đường chân không có thể dẫn tới không nổ máy được hay động cơ không có khả năng chạy chậm.
  • Hệ cường hoá làm việc tốt khi dừng xe, tắt máy, hiệu quả cường hoá còn duy trì được trong 2,3 lần đạp phanh tiếp theo.

2. Đối với hệ thống phanh khí nén:

Đối với hệ thống phanh khí nén, ngoài việc đo đạc các thông số chung ở trên còn cần phải kiểm tra các hiện tượng sau:

  • Xác định sự rò rỉ khí nén trước và sau van phân phối.
  • Tắc đường ống dẫn.
  • Kẹt các van làm mất hiệu quả dẫn khí.
  • Hư hỏng các màng xylanh.
  • Bơm khí nén không đủ khả năng làm việc.

Khi tiến hành kiểm tra, cho động cơ hoạt đông, chờ hệ thống khí nén làm việc đủ áp suất yêu cầu trong khoảng từ 5,5 đến 8,0 kG/cm2, sau đó tiến hành kiểm tra:

  • Kiểm tra sự rò rỉ qua việc xuất hiện tiếng khí nén lọt qua khe hẹp trước và sau lúc đạp phanh.
  • Kiểm tra sự hoạt động của các cơ cấu cam quay tại khu vực bánh xe.

Độ kín khít của hệ thống phanh khí nén có thể phát hiện khi dừng xe, tắt máy, đồng hồ chỉ áp suất phải duy trì được áp suất trong một thời gian dài nhất định. Khi có hiện tượng tụt nhanh áp suất, chứng tỏ hệ thống đã bị rò rỉ, kể cả khi hệ thống phanh tay liên động qua hệ thống khí nén.

Các hư hỏng thường gặp trong máy nén khí là:

  • Mòn buồng nén khí: vòng găng, pittông, xylanh.
  • Mòn, hở van một chiều.
  • Mòn, hỏng bộ bạc hoặc bi trục khuỷu.
  • Thiếu dầu bôi trơn.
  • Trùng dây đai kéo.
  • Kẹt van điều áp của hệ thống.
Kiểm tra máy nén khí đối với hệ thống phanh khí nén
Kiểm tra máy nén khí đối với hệ thống phanh khí nén.

Các hư hỏng trên có thể phát hiện thông qua các biểu hiện sau:

  • Kiểm tra và điều chỉnh độ trùng của dây đai kéo bơm hơi.
  • Xác định lượng và chất lượng dầu bôi trơn.
  • Áp suất khí nén thấp do kẹt van hoặc máy nén khí bị mòn, hỏng.
  • Khi thường xuyên xả nước và dầu tại bình tích luỹ khí nén. Theo dõi lượng dầu xả ra để xem xét khả năng làm việc của máy nén. Nếu lượng dầu nhiều quá mức thì cần tiến hành kiểm tra chất lượng của máy nén khí.
  • Nghe tiếng gõ trong quá trình bơm hơi làm việc.

3. Đối với hệ thống phanh thủy lực – khí nén:

Trên các dòng xe tải thường sử dụng hệ thống phanh thủy lực – khí nén. Cơ cấu phanh làm việc bằng hệ thống thủy lực, cơ cấu điều khiển làm việc bằng hệ thống khí nén.

Sơ đồ chung hệ thống phanh thủy lực - khí nén (Kỹ thuật chẩn đoán ô tô - Nguyễn Khắc Trai)
Sơ đồ chung hệ thống phanh thủy lực – khí nén (Kỹ thuật chẩn đoán ô tô – Nguyễn Khắc Trai)
Van phân phối khí nén và xylanh thủy lực của hệ thống phanh thủy lực - khí nén (Kỹ thuật chẩn đoán ô tô - Nguyễn Khắc Trai)
Van phân phối khí nén và xylanh thủy lực của hệ thống phanh thủy lực – khí nén (Kỹ thuật chẩn đoán ô tô – Nguyễn Khắc Trai)

Khi chẩn đoán, chúng ta cần tiến hành các công việc cho hệ thống phanh thủy lực và các công việc như phần hệ thống phanh khí nén. Ngoài ra còn cần phải tiến hành các công việc như sau:

a. Kiểm tra áp lực khí nén sau van phân phối p (kG/cm2) tương úng với các vị trí góc bàn đạp phanh (βo):

  • Lắp đồng hồ đo áp suất khí nén vào đầu vào của xy lanh khí nén. Đồng hồ đo có giá trị đo lớn nhất tới 10 kG/cm2.
  • Nổ máy cho động cơ làm việc tới nhiệt độ ổn định, áp suất khí nén đạt giá trị 7,0 kG/cm2.
  • Sử dụng thước đo chiều cao hay thước đo độ đo vị trí bàn đạp phanh tương ứng với các góc cho trong bảng ghi lại giá trị áp suất chỉ thị trên đồng hồ.
Phương pháp đánh giá chất lượng hệ thống điều khiển tại van phân phối (Kỹ thuật chẩn đoán ô tô - Nguyễn Khắc Trai)
Phương pháp đánh giá chất lượng hệ thống điều khiển tại van phân phối (Kỹ thuật chẩn đoán ô tô – Nguyễn Khắc Trai)

Nếu các giá trị đo được nằm trong vùng của hai đường đậm thì van phân phối và hệ thống thủy lực làm việc tốt. Nếu nằm ngoài cần tiến hành xem xét tiếp chất lượng của van phân phối và hệ thống.

b. Kiểm tra áp lực thủy lực sau xy lanh chính p (kG/cm2) tương ứng với các vị trí góc bàn đạp phanh (βo):

  • Tiến hành lắp đồng hồ đo áp suất khí nén vào đầu ra của van phân phối. Đồng hồ đo có giá trị đo lớn nhất tới 10 kG/cm2.
  • Cho động cơ làm việc tới nhiệt độ ổn định, áp suất khí nén đạt giá trị 7,0 kG/cm2.
  • Dùng đồng hồ đo áp suất thủy lực lắp vào đầu ra C. Xả không khí trong hệ thống sau đo vặn chặt đồng hồ đo.
  • Đạp bàn đạp theo mức độ phanh nhẹ và theo dõi đồng hồ đo áp suất thủy lực. Nhận rõ trạng thái áp suất thủy lực bắt đầu gia tăng, xác định giá trị áp suất khí nén.
  • Đạp bàn đạp theo mức độ chế độ phanh ngặt, theo dõi đồng hồ đo áp suất thủy lực, đồng hồ đo áp suất khí nén. Xác định giá trị áp suất khí nén cực đại và áp suất thủy lực cực đại.

Kết quả được xem xét theo kết cấu:

  • Với loại van phân phối không chênh áp suất thủy lực giữa cầu trước và cầu sau (loại l).
  • Với loại van phân phối có chênh áp suất thủy lực giữa cầu trước và cầu sau (loại II).
phương pháp
Phương pháp đánh giá chất lượng hệ thống điều khiển tại xylanh khí nén và thủy lực (Kỹ thuật chẩn đoán ô tô – Nguyễn Khắc Trai)

4. Đối với ô tô nhiều cầu chủ động làm việc ở chế độ luôn gài (Full time):

Một số những dòng xe có khả năng cơ động cao sử dụng hệ thống truyền lực với nhiều cầu chủ động. Cầu trước và cầu sau liên kết với nhau thông qua các khớp ma sát và làm việc ở chế độ luôn gài cả hai cầu. Nếu khi đo kiểm tra phanh trên bệ thử chỉ cho một cầu thì các giá trị đo sẽ không phản ảnh được mômen phanh trên các cơ cấu phanh của bánh xe. Trong trường hợp này có thể đánh giá thông qua các bước sau:

  • Tháo các đăng liên kết giữa các cầu và từng cầu xe riêng biệt thử trên bệ thử thông thường.
  • Sử dụng các bệ thử có khả năng lưu trữ dữ liệu của nhà sản xuất khi thử trên bệ thử phanh một cầu thông thường. Sau khi thử xong so sánh kết quả với số liệu được lưu trữ.
  • Thử phanh ôtô trên đường.
  • Sử dụng bệ thử chuyên dụng cho ôtô hai cầu chủ động, thử đồng thời trên hai cầu.
Các dạng cấu trúc truyền lực trên ô tô con có khả năng cơ động (Kỹ thuật chẩn đoán ô tô - Nguyễn Khắc Trai)
Các dạng cấu trúc truyền lực trên ô tô con có khả năng cơ động (Kỹ thuật chẩn đoán ô tô – Nguyễn Khắc Trai)

Một số bài viết liên quan:

Advertisement

Chia sẻ ý kiến của bạn

Thông Tin Cá Nhân

NamNữ

Trình Độ Học Vấn

Thông tin chung

Kỹ thuật viên sửa chữa chungKỹ thuật viên sơnKỹ thuật viên đồngKỹ thuật viên điệnChăm sóc, làm đẹp, Detailing ô tôCố vấn dịch vụBán hàng (Sales)Nhân viên phụ tùngThiết kếMarketingKiểm soát chất lượng (PDI)Quản đốc xưởngTrưởng/phó phòng dịch vụTrưởng/phó phòng kinh doanhTrưởng/phó phòng kỹ thuậtGiám đốc điều hànhChưa có kinh nghiệmKhác