(News.oto-hui.com) – Sau một thời gian sử dụng, khe hở má phanh tăng lên do sự mài mòn. Cơ cấu phanh lợi dụng sự biến dạng của các phớt làm kín trong xylanh công tác để di chuyển piston lực đến một vị trí mới và làm hẹp lại khe hở má phanh.
Sau một thời gian sử dụng, đĩa phanh và má phanh sẽ bị mài mòn do ma sát. Khoảng cách giữa má phanh và đĩa phanh bị tăng lên dẫn tới hiện tượng phanh không ăn, gây nguy hiểm trong việc tham gia giao thông. Vì thế, việc cơ cấu phanh có thể tự điều chỉnh khe hở má phanh có vai trò rất quan trọng. Vậy khe hở má phanh được tự điều chỉnh như thế nào?
Ban đầu, khi chưa được điều chỉnh. Piston lực vẫn ở vị trí cũ và khe hở má phanh lớn. Người lái đạp phanh, piston lực ép má phanh vào đĩa phanh để thực hiện quá trình phanh. Vì khe hở má phanh lớn nên lực ma sát trong trường hợp này bị giảm xuống, làm cho phanh không ăn.
Vì phanh không ăn nên người lái tiếp tục đạp phanh. Áp suất dầu trong xylanh công tác tiếp tục tăng lên. Lúc này phớt làm kín không thể biến dạng thêm. Áp suất trong xylanh công tác quá lớn tác dụng lên piston lực và thắng lực ma sát giữa piston lực và phớt làm kín, đẩy piston lực trượt trên phớt làm kín. Piston lực di chuyển được xa hơn giúp cho má phanh và đĩa phanh ép sát vào nhau hơn. Lực ma sát lúc này lớn giúp cho phanh ăn hơn.
Khi người lái nhả phanh, áp suất dầu trong xylanh công tác giảm xuống và phớt làm kín quay về hình dạng ban đầu. Piston lực khi này đã có vị trí mới và khoảng cách má phanh lúc này đã được tự điều chỉnh thu hẹp lại. Đảm bảo sự an toàn của phanh cho những lần làm việc tiếp theo.
Có nhiều loại phớt làm kín với các tiết diện (vuông, chữ nhật,…) và khả năng biến dạng khác nhau. Một số loại phớt có tiết diện chứa vành khăn có hình thang vuông với góc vát nhỏ (5o – 10o), cho phép vành khăn có thể biến dạng tới 1,2 mm.
Một số bài viết liên quan:
- Nguyên lý hoạt động của phanh đĩa
- Phanh đĩa gốm carbon (Carbon Ceramic) – Tại sao lại rất đắt?
- Giải thích bố trí phanh đĩa được lắp ở cầu trước còn tang trống ở cầu sau
- Tìm hiểu về các cách tự động điều chỉnh khe hở má phanh trong hệ thống phanh thủy lực