Lam Nguyễn - baodatviet

Trò chuyện cùng Doanh nghiệp Việt làm màng hơi ôtô: Làm công nghiệp phụ trợ như đi trên dây

(News.oto-hui.com) – Là một trong số ít doanh nghiệp Việt tham gia sâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, để đạt được điều này ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh cho biết đã lựa chọn một lối đi khó nhưng đủ bảo đảm sự chắc chắn. Doanh nghiệp Việt này hiện đang tham gia ngành công nghiệp phụ trợ – làm màng hơi ôtô

Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh. Ảnh: PLO
Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh. Ảnh: PLO

Trong chia sẻ, ông Nguyễn Quốc Anh nói rằng, phát triển công nghiệp phụ trợ để tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu cần phải có 3 yếu tố:

  • Công nghệ,
  • Giá thành
  • Quản lý hệ thống chất lượng

Làm công nghiệp phụ trợ như đi trên dây

-Giám đốc Quốc Anh-

Đây đều là những vấn đề không đơn giản đối với nhiều doanh nghiệp trong nước, trên thực tế, ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam sau nhiều năm vẫn ì ạch chính bởi các nút thắt này.

Giám đốc Quốc Anh ví von “làm công nghiệp phụ trợ như đi trên dây”, ý nói ngoài vốn, tầm nhìn thì còn cần ở người điều hành một bản lĩnh, một sự liều lĩnh, dám chấp nhận mạo hiểm nữa.

Điều kiện để một doanh nghiệp phụ trợ tồn tại, cạnh tranh và phát triển được là phải có quy mô nhà xưởng lớn, phải có tiềm lực tài chính mạnh, năng lực quản trị tốt, có nguồn lực kỹ thuật và đầu tư công nghệ cao. Tuy nhiên, muốn có công nghệ, nguồn lực cao phải đầu tư lớn, giá thành sản phẩm đắt đỏ, rất khó cạnh tranh.

Đó là còn chưa nói tới chuyện đầu tư công nghệ, sản xuất ra sản phẩm rồi có tìm kiếm được khách hàng không? Khách hàng có chấp nhận sản phẩm của mình không? Đây như một cuộc chiến “một mất, một còn”, may mắn, thuận lợi thì doanh nghiệp tồn tại, phát triển, không thuận lợi, may mắn doanh nghiệp sẽ phải đứng trước nguy cơ phá sản, mọi đầu tư ban đầu đều đổ sông đổ bể.

PV:- Vậy ông đã hóa giải bài toán khó này theo cách nào?

Ông Quốc Anh: – Ở đây là bài toán “con gà có trước hay quả trứng có trước”. Để doanh nghiệp đi tiếp trước hết người lãnh đạo phải có tầm nhìn về tương lai, những dự báo về diễn biến của thị trường công nghệ từ đó sẽ đi đến một quyết định là đầu tư công nghệ trước mới có sản phẩm hay làm sản phẩm trước rồi mới đầu tư công nghệ.

Nếu thiếu tầm nhìn, thiếu niềm tin, doanh nghiệp dễ rơi vào tâm lý hoang mang không biết lựa chọn của mình là đúng hay sai? Đầu tư có hiệu quả hay không? Việc này có thể khiến doanh nghiệp nhụt chí mà lùi bước. Tôi rất hiểu tâm lý này.

Cá nhân tôi khi bắt đầu làm màng hơi ô tô, tôi thấy rằng nếu không có công nghệ tôi cần tới 4 lao động chỉ để phục vụ cho một khâu lô hóa để sản xuất ra sản phẩm màng hơi đó. Nhưng trên thế giới lại đang có một thiết bị công nghệ hiện đại mà chỉ cần sử dụng có nửa công lao động cũng cho ra được công xuất tôi đang làm. Tất nhiên, để đầu tư thiết bị này giá thành sẽ rất đắt.

Tôi phải đứng trước lựa chọn chấp nhận mạo hiểm đầu tư công nghệ hiện đại đắt đỏ nhưng để có hiệu suất cao, chất lượng sản phẩm tốt hơn hay chấp nhận tận dụng công nghệ cũ, lao động rẻ để không mất tiền đầu tư. Cuối cùng tôi chọn công nghệ.

PV:- Vấn đề ông nói có phải các doanh nghiệp phụ trợ trong nước chưa nhìn thấy? Nếu vậy vì sao vẫn có ít doanh nghiệp Việt tham gia được vào chuỗi công nghệ toàn cầu, thưa ông?

Ông Quốc Anh:- Doanh nghiệp nào cũng đều thấy rằng muốn có sản lượng cao, sản phẩm tốt phải có công nghệ tốt. Tuy nhiên, không có nhiều doanh nghiệp dám liều lĩnh bỏ ra cả một đống tiền để mua công nghệ cao mà chưa chắc chắn về tương lai, đường đi của sản phẩm mình tạo ra.

Tôi cũng vậy, khi sản xuất màng hơi, tôi luôn ao ước có tiền để mua được một cái máy hiện đại, công nghệ hiện đại để sản xuất sản phẩm tốt hơn.

Phải tư duy trong nhiều năm, cuối cùng tôi mới dám quyết định mang nhà cửa, tài sản đi thế chấp ngân hàng đi thế chấp ngân hàng để lấy tiền đầu tư vào công nghệ.

Cũng may mắn, từ sau khi đầu tư công nghệ tôi gặp nhiều thuận lợi từ phía thị trường, nguồn nguyên liệu giảm giá, nhờ thế sau vài năm sản phẩm đã được xuất khẩu đi các nước, tôi có tiền để trả nợ.

PV:- Ngoài những khó khăn về nguồn vốn, công nghệ, làm sao để tiếp cận được với khách hàng và để khách hàng chọn sản phẩm của mình, thưa ông?

Ông Quốc Anh:- Tôi không có quyền lựa chọn đối tác mà đối tác chọn chúng tôi. Khi đối tác có nhu cầu họ sẽ tìm kiếm các nhà cung ứng trên khắp đất nước. Những doanh nghiệp nào đáp ứng được các yêu cầu của họ về giá thành, công nghệ và hệ thống quản trị tốt, họ sẽ lựa chọn.

Thực tế, khi muốn tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp Việt rất khó tham gia được ngay từ công đoạn ban đầu mà phải thông qua các đối tác của nước ngoài đã từng sản xuất sản phẩm này nhưng muốn chuyển sang Việt Nam để tiết kiệm chi phí lao động, vận chuyển…

May mắn các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực cao su tại Việt Nam không nhiều, nên cơ hội được lựa chọn cũng lớn hơn các lĩnh vực khác.

Nhờ có công nghệ, chúng tôi có sản phẩm tốt nhưng để có được giá thành rẻ, tôi có nhiều thủ thuật và bí quyết để tinh gọn sản xuất khi xem xét hợp tác.

Tất nhiên, giá rẻ lợi nhuận sẽ thấp hơn nhưng nếu sản xuất với số lượng lớn hơn, chúng tôi vẫn có lời.

Thích làm sản phẩm khó nhưng phải vừa sức

PV:- Được biết ông thích làm những sản phẩm có kỹ thuật khó, đây có phải chiến lược và mục tiêu được ông theo đuổi ngay từ đầu không? Vì sao?

Ông Quốc Anh:- Làm sản phẩm có độ khó cao về kỹ thuật là sở thích của tôi nhưng có lẽ do tôi đã lớn tuổi nên tôi biết lựa chọn sản phẩm nào vừa sức với mình để làm.

Tôi biết rằng, muốn tiến tới được mục tiêu phải có chiến lược, muốn làm được cái khó phải đi từ cái dễ, cái đơn giản trước. Vì thế, ban đầu chúng tôi chỉ lựa chọn những sản phẩm đơn giản, giá rẻ, vừa tầm sức của doanh nghiệp. Nếu chọn ngay làm sản phẩm cao cấp sẽ là quá mạo hiểm, một khi doanh nghiệp tiến sẽ không có đường lùi.

Vì thế, chúng tôi lựa chọn sản phẩm có độ khó từ dễ tới trung bình trước, khi đã làm quen mới nâng dần công suất, nâng dần độ khó của sản phẩm, từng bước thử sức với những sản phẩm cao cấp hơn.

Hiện chúng tôi là đơn vị cung cấp các sản phẩm cao su kỹ thuật như chân đế cho máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt hay cao su xây dựng… cho các công ty Nhật và Hàn Quốc.

Những sản phẩm trên không phải là những sản phẩm có kỹ thuật quá cao, quá khó nhưng doanh nghiệp có thể sản xuất được với số lượng cao, chất lượng ổn định, giá thành rẻ, nên chúng tôi đã chọn. Tôi cho rằng, lựa chọn một phân khúc sản phẩm phù hợp để thực tập, tích lũy kinh nghiệm, tạo đà cho doanh nghiệp phát triển là rất quan trọng.

Tới thời điểm này, chúng tôi cũng đã có thêm những sản phẩm có độ khó cao hơn và đang được khách hàng đánh giá tốt.

Đặc biệt, có hai loại sản phẩm có độ khó về kỹ thuật rất cao là màng hơi và lốp xe nâng. Chẳng hạn, tôi quyết định chọn sản phẩm lốp xe nâng vốn khó làm vì đây là thị trường ngách, không nhiều đối thủ cạnh tranh. Hay màng hơi cũng là sản phẩm chưa có nhiều doanh nghiệp trong nước thương mại hóa sản phẩm này. Nếu Đức Minh không làm, các doanh nghiệp bắt buộc phải nhập từ Trung Quốc hoặc các nước khác.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chú trọng vào chất lượng và quan tâm nhiều hơn tới tuổi thọ của màng hơi để xuất khẩu với số lượng lớn hơn.

PV:- Nhìn lại ngành công nghiệp phụ trợ trong nước, theo ông đâu là điểm nghẽn mấu chốt? Các doanh nghiệp phụ trợ trong nước muốn phát triển được phải làm thế nào?

Ông Quốc Anh:- Tôi cho rằng, điểm nghẽn trong phát triển công nghiệp phụ trợ của Việt Nam là quy mô nhỏ, không tham gia sâu vào chuỗi sản xuất công nghệ của các nhà đầu tư nước ngoài ngay từ đầu mà mới chỉ tham gia được vòng ngoài, ở những khâu thay thế.

Tôi biết, có nhiều doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn, doanh thu lên tới hàng nghìn tỉ nhưng vẫn đang phải chấp nhận là đối tác thứ hai, thứ ba của các nhà sản xuất ô tô hoặc điện tử vì doanh nghiệp không có thiết kế và cũng vì muốn tập trung quản lý cho ổn định.

Như vậy, nếu để doanh nghiệp phụ trợ trong nước có điều kiện phát triển thì ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, Chính phủ cũng nên có một chính sách kích cầu đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp thay đổi công nghệ. Khi doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cho công nghệ chắc chắn sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ở TP.HCM cũng có nhiều doanh nghiệp tiếp cận được với chính sách kích cầu của TP.HCM, nhờ đó, các doanh nghiệp đã tăng được năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, có hoạt động sản xuất tốt hơn.

Về phía doanh nghiệp ngoài những vấn đề về vốn, thị trường, thì phải thay đổi cung cách quản lý cũng như hệ thống kiểm soát chất lượng cho phù hợp với yêu cầu, tiêu chuẩn của khách. Nói cách khác là cần chứng minh thêm về uy tín, chất lượng ổn định của doanh nghiệp.

PV:- Xin cảm ơn ông!

Lam Nguyễn – baodatviet

Advertisement

Chia sẻ ý kiến của bạn

Thông Tin Cá Nhân

NamNữ

Trình Độ Học Vấn

Thông tin chung

Kỹ thuật viên sửa chữa chungKỹ thuật viên sơnKỹ thuật viên đồngKỹ thuật viên điệnChăm sóc, làm đẹp, Detailing ô tôCố vấn dịch vụBán hàng (Sales)Nhân viên phụ tùngThiết kếMarketingKiểm soát chất lượng (PDI)Quản đốc xưởngTrưởng/phó phòng dịch vụTrưởng/phó phòng kinh doanhTrưởng/phó phòng kỹ thuậtGiám đốc điều hànhChưa có kinh nghiệmKhác