Nhao lái là gì? Các hiện tượng nhao lái phổ biến trên ô tô và cách xử lý?
(News.oto-hui.com) – Nhao lái là một trong những lỗi phổ biến thường gặp trên ô tô, khiến nhiều tài xế cảm thấy mệt mỗi khi lái xe. Khi ấy, việc phải ghì một lực liên tục vào vô lăng là một điều rất mỏi, chưa kể đến việc lốp bị mòn nhanh hơn. Vậy nhao lái là gì? Các hiện tượng nhao lái phổ biến và cách xử lý?
I. Nhao lái là gì?
Nhao lái là hiện tượng xe ô tô bị nghiêng sang trái hoặc xe bị nghiêng sang phải. Nhao lái khiến xe không đạt được tình trạng cân bằng ở các bánh xe. Người lái sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc điều khiển vô lăng để xe chạy theo ý muốn. Nhao lái là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến xe bị lệch tay lái.
Thực chất có nhiều kiểu nhao lái.
- Nhao từ từ và liên tục khi xe đi bình thường.
- Xảy ra sau khi rẽ.
- Xảy ra khi có các điều kiện lái nhất định như: khi vào xóc hoặc khi xe tăng tốc.
Xe bị nhao lái có thể lệch vô lăng hoặc thậm chí có trường hợp vô lăng vẫn thẳng nhưng vẫn gặp phải. Nhao lái có thể là xe bị nhao nặng hoặc nhao nhẹ, hoặc chuyển hướng lúc bên này lúc sang bên khác.
II. Các hiện tượng nhao lái phổ biến
1. Nhao lái liên tục sang một bên:
Đây là một vấn đề của xe khi mà xe liên tục bị kéo sang một bên khi đang đi trên đường thẳng. Tài xế thường phải liên tục ép một lực lên vô lăng để giữ xe đi thẳng trên đường. Các lí do có thể bao gồm:
a. Góc Camber hai bên không bằng nhau:
Sai biệt góc camber quá lớn có thể khiến xe nhao hoặc bị kéo sang bên có góc camber dương nhất hoặc kéo sang phía đối diện bên có góc camber âm nhất.
Nguyên nhân: Có thể là giảm xóc bị cong hoặc ụ giảm xóc trên bị lệch khỏi vị trí ban đầu, trục moay ơ cong, hoặc cao su càng A bị vỡ, lò xo giảm xóc yếu hoặc gãy, hoặc vị trí vai bò đỡ động cơ bị dịch chuyển.
b. Góc Caster hai bên không bằng nhau:
Sai biệt góc caster quá lớn có thể khiến xe nhao hoặc khiến xe bị kéo sang bên có caster nhỏ hơn.
Nguyên nhân: Có thể là ống giảm xóc bị cong, trục moay ơ bị cong hoặc ụ bắt giảm xóc bị sai vị trí.
2. Nhao lái do Trục cầu sau:
Những thông số kỹ thuật hai bánh xe ở cầu trước nằm trong tiêu chuẩn căn chỉnh thông số nhà sản xuất nhưng xe vẫn bị nhao sang một bên.
Nguyên nhân có thể là do độ chụm sau nằm ngoài tiêu chuẩn cho phép, hoặc dầm ngang trục i sau bị cong, khung xe bị lệch hoặc dung sai của khung xe khiến trục sau bị căn chỉnh sai.
Các phương pháp kiểm tra:
- Đo và so sánh chiều dài cơ sở ở cả hai bên, kiểm tra xem có góc lệch trục dọc không và/hoặc đo độ chụm từng bên của trục sau.
- Xử lý bằng cách chỉnh lại trục sau hoặc độ chụm sau, hoặc bằng cách căn chỉnh góc lệch trục dọc.
3. Nhao lái do Hệ thống phanh:
Hiện tượng nhao lái xuất hiện liên tục, nhao sang một bên khi đạp phanh.
Các phương pháp kiểm tra:
Kiểm tra xem khi xoay các bánh xe có quá nặng hay không?
- Dính gông phanh.
- Pít tông trong gông phanh bị kẹt hoặc dính.
- Đổ quá nhiều dầu phanh trong tổng phanh (làm cho piston không hồi được khi nhả bàn đạp phanh).
- Lò xo thu guốc phanh yếu không kéo được guốc phanh về.
- Guốc phanh bị chỉnh quá sát tang trống.
- Phanh tay bị chỉnh quá bó.
- Công tắc bàn đạp phanh tay bị chỉnh sai (tạo ra áp lực dư thừa trong tổng phanh gây ra nhao lái).
- …
Điều chỉnh lại hoặc sửa chữa phanh theo yêu cầu.
Lưu ý:
- Nếu như xe chỉ bị nhao lái khi đạp phanh, vấn đề có thể là do lực phanh chia không đều, không phải do kẹt gông phanh hoặc bị góc alignment căn chỉnh sai. Khi đó, xe sẽ nhao sang bên có lực phanh trước lớn hơn và nhao sang phía đối diện bên có lực phanh yếu hơn hoặc hỏng.
- Lực phanh không đều có thể bị gây ra bởi kẹt gông phanh, kẹt pít tông caliper, sử dụng các loại má phanh có chất lượng khác nhau, rò rỉ dầu phanh, hoặc má phanh một bên bị bẩn.
Các nguyên do khác có thể bao gồm cao su càng A hoặc cao su giảm xóc bị lỏng khiến cho góc Camber, Caster bị thay đổi khi phanh.
Để đảm bảo ta cần kiểm tra những bộ phận này trước khi kết luận bị nhao lái do hệ thống phanh.
4. Nhao lái do Áp suất lốp không đều:
Xe sẽ nhao lái sang bên có áp suất lốp thấp. Chỉnh bằng cách bơm lốp đến áp suất tiêu chuẩn của nhà sản xuất.
5. Nhao lái do Lốp hai bên không cùng loại:
Xe sẽ nhao hoặc hướng về phía lốp có lực cản lăn lớn nhất. So sánh kích cỡ lốp xe, độ mòn vân lốp, kiểu vân lốp và vân hoa, và cả nhãn hiệu, lô sản xuất lốp để biết rõ về loại lốp đang sử dụng.
6. Nhao lái do Mòn lốp không đều:
Nếu một bên của vân lốp bị mòn hơn bên còn lại, lốp sẽ có hiệu ứng hình côn. Hiệu ứng côn tương tự như góc camber, khiến lốp xe lăn về phía bị mòn nhất.
Sự mài mòn không đồng đều có thể là kết quả của camber sai, độ chụm và/hoặc không đi đảo lốp xe theo định kỳ để bù lại phần mòn.
- Nếu ta đảo lốp hai bên phải-trái đằng trước sang cho nhau mà xe nhao ngược lại thì lốp đó cần phải thay.
7. Nhao lái do lỗi sản xuất lốp:
Một lỗi sản xuất trong chế tạo lốp là cách đặt lớp bố bên trong lốp xe không chính giữa khiến lốp xe tạo ra một lực kéo ngang khi lốp xe lăn. Để kiểm tra tình trạng này, hãy lái xe về phía trước, sau đó lùi ngược lại.
- Nếu hướng nhao hoặc kéo thay đổi, thì một hoặc nhiều lốp hiện đang gặp lỗi.
Đảo lốp xe từ trước ra sau hoặc phải sang trái có thể giúp loại bỏ nhao lái do bố lốp, nếu không được thì thay lốp là điều bắt buộc để khắc phục tình trạng này.
8. Nhao lái do trợ lực lái gặp vấn đề:
Nhao lái do trợ lực lái không cân bằng.
- Phớt trợ lực bị rò rỉ trong van điều khiển hoặc thân van không nằm chính giữa có thể dẫn đến áp suất dầu trợ lực luôn cao ở một bên khiến cho tay lái muốn luôn tự quay sang một bên.
Điều này có thể được kiểm tra bằng cách kích trục trước lên với động cơ đang chạy để xem các bánh xe có tự quay về một phía.
- Nếu không có thay đổi thì bỏ qua nguyên nhân này.
- Nếu bánh xe tự động đổ sang một bên thì đó chính là nguyên nhân nhao lái do hệ thống trợ lực. Trong trường hợp này cần phải thay cả cụm van điều khiển trợ lực hoặc thay hộp tay lái mới.
9. Nhao lái do đường nghiêng:
Hầu hết đường giao thông luôn được thiết kế nhô cao ở giữa nhiều hơn hai bên, để nước mưa chảy ra bên ngoài nhằm thoát nước tốt hơn. Nhưng độ dốc của mặt đường thường có thể khiến một chiếc xe bị trôi ra khỏi mép ngoài.
Ta có thể khắc phục bằng cách cân chỉnh thêm một chút góc camber dương hoặc góc caster âm vào bánh trước (bên trái). Tuy nhiên, để thực hiện việc điều chỉnh này nên cân nhắc kỹ lưỡng, nếu lái xe dành phần lớn thời gian trên những con đường nghiêng và khách hàng yêu cầu làm việc đó.
10. Đánh lái không trả:
Vô lăng và bánh lái quay trở lại một số vị trí nào đó chứ không về thẳng như bình thường. Điều này có thể làm xe bị kéo hoặc trôi sang một bên sau khi rẽ.
Nguyên nhân có thể bao gồm:
- Điều chỉnh sai góc đặt hoặc lắp đặt không đúng cách rô tuyn lái ngoài RBS của Ford.
- Các quả rô tuyn lái RBS không xoay tự do như các quả rô tuyn lái thông thường.
Khi thay loại rô tuyn này các tay đòn liên kết lái phải được căn giữa và giữ thẳng về phía trước trước khi xiết chặt ốc hãm rô tuyn. Kiểm tra và điều chỉnh nếu cần thiết.
11. Nhao lái do Kẹt bi bát bèo giảm xóc (bi phuộc nhún):
Bát bèo trên ụ giảm xóc (phuộc nhún) trước bị kẹt. Kích hai bánh xe và xoay tay lái từ bên này sang bên kia.
- Nếu xoay vô lăng thấy nặng, hãy tháo rời hai quả rô tuyn lái và xoay từng bánh xe bằng tay để kiểm tra lực cản.
- Nếu bi bát bèo trên giảm xóc bị kẹt hoặc lỏng quá thì phải tháo giảm xóc thay cụm bát bèo và thay bi bát bèo.
a. Bó bánh răng hộp tay lái hoặc liên kết bị dính:
- Kiểm tra ty ren và bát đỡ của rô tuyn đứng.
- Kiểm tra cao su bót lái chính, bót lái phụ.
- Kiểm tra điều độ rơ thanh răng cung răng trong hộp tay lái.
- Thay thế hoặc điều chỉnh nếu cần thiết.
b. Rô tuyn đứng bị kẹt:
Để quả rô tuyn đứng tự do không chịu tải bằng cách kích hệ thống treo.
- Đối với thệ thống treo MacPherson hãy kích vào ba bô lê.
- Đối với hệ thống treo càng A trên Càng A dưới thì kích vào Càng A dưới nếu lò xo nằm ở dưới và kích đỡ vào càng A trên nếu lò so nằm ở trên.
Xoay bánh xe từ bên này sang bên kia để kiểm tra lực cản.
- Nếu thấy nặng thì tháo rời rô tuyn lái và thử lại.
- Nếu rô tuyn đứng bị kẹt cần phải thay quả rô tuyn đứng mới.
12. Nhao lái do phớt trợ lực rò rỉ:
Phớt trợ lực bị rò rỉ trong van điều khiển hoặc thân van không nằm chính giữa có thể dẫn đến áp suất dầu trợ lực luôn cao ở một bên. Điều này sẽ khiến cho tay lái tự quay sang một bên.
Kiểm tra bằng cách kích trục trước lên với động cơ đang chạy để xem các bánh xe có tự quay về một phía.
- Nếu không có thay đổi, tìm đến nguyên nhân khác.
- Nếu bánh xe tự động đổ sang một bên thì đó chính là nguyên nhân nhao lái do hệ thống trợ lực. Trong trường hợp này cần phải thay cả cụm van điều khiển trợ lực hoặc thay hộp tay lái mới.
13. Lệch vô lăng:
Tình trạng vô lăng vẹo thường đi đôi với bệnh nhao lái liên tục hoặc không trả lái. Trong trường hợp vô lăng không thẳng nhưng xe không bị nhao lái thì có thể do nguyên nhân sau:
- Các tay đòn bót lái không ở vị trí giữa khi điều chỉnh độ chụm.
Sửa lại bằng cách đặt lại vô lăng cho thẳng:
- Chỉnh độ dài hai quả rô tuyn lái ngoài phải bằng nhau. Sau đó mới chỉnh độ chụm về đúng tiêu chuẩn.
14. Lúc Nhao lái bên nọ, lúc nhao lái bên kia:
Chiếc xe thiếu sự ổn định trong việc chuyển hướng đi hoặc có thể bị trôi từ bên này sang bên kia. Nguyên nhân có thể bao gồm:
- Các chi tiết hệ thống lái bị lỏng hoặc mòn.
- Kiểm tra các bát đỡ rô tuyn lái trong nằm trong thước lái, rô tuyn lái ngoài, và càng bót lái phụ các khớp nối thanh giằng lái.
- Kiểm tra các khớp các đăng cột lái.
- Kiểm tra các giá treo cao su bắt thân thước lái xem có bị lỏng ốc hoặc hỏng.
- Kiểm tra độ rơ của thước lái hoặc hộp tay lái. Độ rơ của tay lái thường phải nhỏ hơn 1/4 inch (luôn luôn tham khảo thông số kỹ thuật của nhà sản xuất).
- Thay thế các bộ phận bị mòn và/hoặc điều chỉnh độ rơ thước lái hoặc vít điều chỉnh trên hộp tay lái để giảm độ rơ.
- Vòng bi moay ơ bánh xe lỏng lẻo hoặc điều chỉnh không đúng. Kiểm tra và điều chỉnh vòng bi bánh xe theo thông số kỹ thuật.
a. Góc Caster không đủ:
Điều này có thể là do tăng độ cao xe ở phía sau xe (tăng độ cao phần đuôi xe bằng các lò xo và giảm xóc bóng hơi) hoặc hạ thấp chiều cao xe ở phía trước của xe (lò xo yếu hoặc ngắn hơn lò xo cổ). Tăng caster và/hoặc chỉnh i caster về lại đúng thông số kỹ thuật.
b. Áp suất lốp cực thấp:
Bơm đến áp suất được khuyến nghị. Chỉnh độ chụm quá sai. Kiểm tra các càng kết nối lái và chỉnh độ chụm lại hoặc sửa thay phụ tùng nếu cần thiết.
c. Cướp tay lái
Tay lái đột ngột giật hoặc nghiêng sang một bên hoặc bên kia khi xe vượt qua một vật xóc. Nguyên nhân gây ra bởi: Những thay đổi độ chụm từng bên không đều diễn ra khi hệ thống treo di chuyển qua vật xóc và bật lại.
- Kiểm tra độ chụm từng bên bánh trước riêng lẻ với hệ thống treo có tải (nén lò xo).
- Kiểm tra lại độ chụm với hệ thống treo được nâng lên một chút.
- Nếu sự thay đổi độ chụm hai bên không bằng nhau ở cả hai bánh trước, nó có thể gây ra mô men kéo tạm thời sang một bên.
- Hướng kéo sẽ phụ thuộc vào đầu nào cao hay thấp, và liên kết lái ở phía trước hay phía sau của ngõng trục .
Các nguyên nhân có thể bao gồm:
- Các tay đòn liên kết lái song song không được li vô => Kiểm tra chiều cao bót lái chính và điều chỉnh nếu cần.
- Thân thước lái bắt vào sắt xi không được li vô => Kiểm tra chiều cao hai đầu thước lái và giá bắt thước lái. Sửa chữa, điều chỉnh hoặc thay thế nếu cần.
- Cong bàn tay ếch bót lái =>Kiểm tra để đảm bảo rằng bàn tay ếch cả hai đều có cùng chiều cao. Thay thế ngõng trục hoặc giảm xóc nếu bàn tay ếch bót lái được lắp vào thân giảm xóc và thân giảm xóc bị cong để xử lý trường hợp này.
- Khung xe bị chùn, giá bắt động cơ bị biến dạng .
Chú ý: Trước khi chỉnh độ chụm, không đưa các tay đòn liên kết về vị trí giữa.
15. Nhao lái khi xe tăng tốc:
Tay lái bị kéo sang một bên trong quá trình xe tăng tốc mạnh. Đây là một tình trạng phổ biến ở những chiếc xe dẫn động cầu trước có trục láp hai bên có chiều dài không bằng nhau.
Hiện tượng nhao lái này được gây ra bởi những thay đổi độ chụm hai bên không đều nhau khi hệ thống treo được chịu tải.
Như vậy cho phép bên bánh xe có trục láp dài hơn sẽ ít bị độ chụm dương so với bên có trục láp ngắn hơn.
- Điều này làm cho chiếc xe có xu hướng quay vòng về phía bên với trục láp dài hơn.
- Những chiếc xe truyền động bánh trước FWD có trục láp hai bên dài bằng nhau thường không gặp phải tình trạng này.
Nhao lái khi xe tăng tốc không thể được loại bỏ hoàn toàn. Nguyên nhân có thể đến từ việc:
- Cao su càng A lỏng hoặc bị vỡ.
- Rô tuyn lái trong/ngoài bị lỏng hoặc mòn.
- Cao su chân máy hay cao su chân hộp số bị lỏng hoặc hỏng.
Các nhà sản xuất ô tô đã cung cấp nhiều phương án thiết kế khác nhau để giảm mức độ ảnh hưởng của nhao lái khi tăng tốc ở một số xe truyền động bánh trước. Các biện pháp khắc phục bao gồm sử dụng loại cao su càng A cứng hơn, làm chân máy êm hơn, xếp đặt lại vai bộ đỡ máy, thay thế giá treo động cơ bằng giá treo cứng hơn hoặc tăng sai biệt góc camber,…
III. Cách phổ biến để khắc phục hiện tượng nhao lái:
Thông thường xe ôtô sau 10.000km, chủ xe sẽ cần mang xe tới trung tâm bảo dưỡng định kỳ và kiểm tra tổng thể cả chiếc xe. Tuy nhiên, nếu chủ xe phát hiện hiện tượng lốp mòn không đều, xe bị nhao lái, vô lăng của xe bị lệch thì hãy đưa xe đến trung tâm bảo dưỡng càng nhanh chóng càng tốt, không cần đợi tới lượt bảo dưỡng định kì để xử lý.
Hiện nay việc căn chỉnh thước lái được các nhân viên chăm sóc xe hơi thực hiện theo hai cách khác nhau.
- Cách thứ nhất là cách thủ công.
- Cách thứ hai là cách sử dụng sự hỗ trợ của máy móc chuyên dụng.
- Với mỗi lần căn chỉnh thước lái bằng máy, chủ xe sẽ phải trả khoảng 300 ngàn đến 800 ngàn đồng.
Sự chênh lệch của chi phí tùy thuộc vào tình trạng và độ phức tạp của dòng xe mà chủ xe đang sử dụng. Đối với cách căn chỉnh thước lái bằng máy, thời gian để thực hiện căn chỉnh khá nhanh, chỉ tốn khoảng ba mươi phút.
Nếu gặp phải các hiện tượng nhao lái trên, chủ xe (nếu không rõ về kỹ thuật ô tô) nên đưa xe đến các garage, trạm dịch vụ sử chữa hay đại lý để khắc phục. Ngoài ra, hãy chú ý tới việc căn chỉnh góc đặt bánh xe mỗi khi thay bánh mới. Việc này sẽ giúp chủ xe hạn chế được nguy cơ xe ôtô bị nhao lái.
Theo Larry Carley, Tạp chí Tire Review, January 1999
Bài viết liên quan:
- Nguyên nhân gây ảo giác ôtô “đi lùi” khi dừng đèn đỏ?
- Cân chỉnh thước lái là gì? Khi nào cần cân chỉnh thước lái ô tô?
- Tìm hiểu hiện tượng Hydroplaning – Trơn trượt trên đường ướt
- Những hư hỏng thường gặp của thước lái