Theo Báo Tuổi Trẻ

Ngoài lý do ế, vì sao nhiều dòng xe lặng lẽ dừng kinh doanh tại thị trường Việt?

(News.oto-hui.com) – Bên cạnh lý do bán ế, hay khách hàng không ưa chuộng, hoặc ngừng bán do hãng tái cơ cấu, rất nhiều dòng xe lặng lẽ dừng kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Vậy đằng sau đó còn lý do nào khác?

Thị trường ô tô trong vòng vài tháng nay hân hoan với màn chào đón ra mắt hoành tráng của một số mẫu ô tô tiền tỉ, bên cạnh sự “ra đi” khỏi thị trường Việt Nam của một số dòng xe. 

VinFast của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã quyết định dừng sản xuất các mẫu xe nhà VinFast như Fadil, Lux A2.0, SA2.0… khiến nhiều khách hàng tiếc nuối, hoặc bày tỏ lo ngại về chế độ bảo hành về sau này với những lô xe đã giao cho khách trước đó. 

Nhiều dòng xe khác như Toyota Hilux, Honda Brio, Hyundai Kona, Ford EcoSport… Các mẫu xe này đã tạm ngừng bán trên thị trường Việt Nam nửa đầu năm 2022.

Theo các đại lý ô tô, Ford EcoSport, Toyota Rush bị khai tử do doanh số thấp và cần sản phẩm mới thay thế phù hợp xu hướng thị trường hơn. 

Toyota Hilux , Wigo, Honda Brio… tạm ngưng bán vì chưa có động cơ chuẩn khí thải Euro 5 theo quy định. Nếu tiếp tục đưa về lô xe mới đạt Euro 5 sẽ khiến giá bán xe tăng, khó cạnh tranh với các đối thủ cùng phân khúc.

Đại diện Ford Việt Nam lý giải việc dừng sản xuất lắp ráp mẫu xe EcoSport tại Việt Nam là do Tập đoàn Ford (Mỹ) tái cơ cấu các nhà máy lắp ráp và sản xuất linh kiện tại Ấn Độ. Điều này làm ảnh hưởng nguồn cung mẫu xe này tại nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam. 

Bên cạnh đó, doanh số xe thường xuyên không đạt theo đúng kỳ vọng của chính hãng. 

Như vậy, chỉ trong vòng 2 năm, Ford Việt Nam đã loại hai mẫu xe là  EcoSport và Tourneo ra khỏi danh mục kinh doanh tại thị trường Việt.

TC Motor đã tạm dừng lắp ráp, phân phối các phiên bản của mẫu xe Hyundai Kona tại Việt Nam, nguyên nhân được nêu là do thiếu hụt nguồn cung ứng linh phụ kiện.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam thừa nhận trong 2 năm gần đây, sự đứt gãy chuỗi cung ứng về vận chuyển, xung đột chiến sự… đã đảo lộn trật tự dây chuyền chuỗi cung ứng. Khủng hoảng về linh kiện phụ tùng đến nay vẫn chưa hoàn toàn được giải quyết thì đã có nỗi lo mới. 

Sau cuộc khủng hoảng chip bán dẫn, thiếu thủy tinh sẽ là vấn đề tiếp theo khiến các nhà sản xuất ô tô phải lo ngại. Việc Nga cắt giảm khí đốt đến châu Âu sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp sản xuất xe hơi.

Silja Pieh – chiến lược gia của thương hiệu hạng sang Audi – lo ngại việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Đức sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng thiếu phụ tùng khác, và kính lái là một ví dụ điển hình. 

Về việc thiếu linh kiện phụ tùng sản xuất, chip bán dẫn, một số chuyên gia cho rằng trong chiến lược kinh doanh của các hãng, nếu doanh số thấp, mẫu xe không phù hợp với thị trường sẽ được “thay máu” để nhường sân cho mẫu mới. 

Đây là thực tế sẽ diễn ra và khốc liệt trong thời gian tới do có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa phân khúc xe điện và xe động cơ đốt trong.


Bài viết liên quan:

Advertisement

Chia sẻ ý kiến của bạn