(News.oto-hui.com) – Logo mỗi hãng xe sở hữu cũng là bộ mặt và linh hồn của chính họ – thứ đầu tiên đập vào mắt người dùng khi quan sát mỗi chiếc xe. Dù vậy, không nhiều người có thể hiểu được ẩn ý đằng sau từng chiếc huy hiệu đó…
1. Abarth
Logo của Abarth mang hình con bọ cạp – cũng là Cung Hoàng đạo của người sáng lập ra thương hiệu ông Carlo Abarth. Phía trên đỉnh logo là lá cờ Italia nằm dưới tên thương hiệu. Màu đỏ ở đây là màu đại diện cho các cuộc đua tại Italia. Giờ ta chỉ còn thấy huy hiệu Abarth trên các dòng xe hiệu suất cao của Fiat.
2. Alfa Romeo
Alfa là cụm từ viết tắt của Anonima Lombarda Fabbrica Automobili trong khi Romeo là tên đệm của thương gia đã mua lại công ty vào năm 1915. Chữ thập đỏ trên logo xe là biểu tượng của Milan trong khi con rắn đội vương miện là gia huy của nhà Visconti – những người từng cai trị thành phố trong lịch sử.
3. Alpina
Cái tên Alpina tới từ cửa hàng đầu tiên của họ (chuyên sản xuất… máy gõ chứ không phải xe) nằm trên dãy Alps. Hình ảnh trên logo là bộ chế hòa khí Weber – linh kiện đánh dấu khởi đầu mối hợp tác giữa họ với BMW, cùng trục khuỷu xe.
4. Aston Martin
“Martin” là họ của nhà đồng sáng lập công ty, ông Lionel Martin trong khi “Aston” tới từ cụm Aston Hill Climb, cuộc đua leo núi nơi ông đã chinh phục được thành công và khiến tên tuổi ông được biết đến rộng rãi hơn. Biểu tượng đôi cánh được chọn vào năm 1927 thể hiện cho tốc độ, có lẽ lấy cảm hứng từ đôi cánh của Bentley.
5. Audi
Nhà sáng lập August Horch của Audi trước đó đã có cho mình một công ty riêng cùng tên nhưng sau đó rời đi. Cũng vì lý do này mà ông không thể sử dụng tên mình làm tên hãng xe được nữa, qua đó đành phải lựa chọn cụm từ Audi mà con trai mình gợi ý. Horch có nghĩa là lắng nghe trong tiếng Đức trong khi Audi cũng mang nghĩa tương tự nhưng trong tiếng Latin. Logo Audi là kết quả của việc hợp nhất 4 thương hiệu (Audi, DKW, Horch và Wanderer), mỗi vòng tròn biểu trưng cho 1 thương hiệu và chúng đan vào nhau để thể hiện sự đoàn kết. Màu logo được chọn là màu bạc – màu đua của nước Đức.
6. Bentley
Bentley từng chế tạo động cơ máy bay trong giai đoạn Thế chiến thứ nhất, do đó không khó hiểu khi họ chọn biểu tượng đôi cánh làm logo. Màu bạc ở đây thể hiện sự phức tạp, tinh vi. Thực tế, số lượng lông vũ trên 2 cánh là không bằng nhau và chúng cũng đã từng thay đổi tùy theo giai đoạn lịch sử.
7. BMW
Là chữ viết tắt của cụm từ trong tiếng Đức có nghĩa Công ty sản xuất xe xứ Bavaria. Vòng tròn màu đen bên ngoài là những gì còn sót lại của logo người tiền nhiệm BMW, Rapp, trong khi màu xanh và trắng phía trong đại diện cho lá cờ xứ Bavaria.
8. Bugatti
Chữ B cách điệu ở trên cùng logo là chữ cái đầu tiên trong tên nhà sáng lập thương hiệu, ông Ettore Bugatti. 60 dấu chấm ở viền logo hình bầu dục thuộc một trong 2 nguồn gốc (mà tới giờ vẫn chưa thống nhất được đâu là đúng): hoặc là ngọc trai để biểu thị sự hùng vĩ, hoành tráng và sang trọng, hoặc là dây đai an toàn mà Bugatti sử dụng cho động cơ bởi thiết kế kỳ lạ mà họ áp dụng (không có miếng đệm).
9. Cadillac
Tên gọi của thương hiệu lấy nguồn gốc từ tước hiệu (tự phong) của nhà sáng lập: Antoine Laumet de la Mothe – Quý ngài xứ Cadillac. Logo của hãng là thiết kế của áo giáp của chính ông – vốn được chế tạo dựa trên khuôn mẫu là chiếc khiên của người hàng xóm, cũng là bá tước vùng Lamothe-Bardigues. Logo ban đầu của hãng ban đầu có hình… 6 chú vịt đen trong 2 phần tư màu vàng nhưng sau đó đã được thay thế bằng hình thanh ngang màu đen vào năm 2000.
10. Chevrolet
Logo hình cái nơ nổi tiếng của thương hiệu Mỹ được giới thiệu 2 năm sau khi hãng thành lập. Ý tưởng này được lấy từ một mẩu quảng cáo trên tờ báo địa phương mà ông Louis Chevrolet cảm thấy ấn tượng, có thể là từ công ty than Coalettes.
11. Citroen
Vào năm 1901, nhà sáng lập thương hiệu, ông Andre Citroen (lúc đó 22 tuổi) có mặt tại Ba Lan, nơi ông tình cờ tìm thấy một bánh răng hình mũi tên thú vị dùng trong máy phay (lĩnh vực kinh doanh ban đầu của ông). Hình 2 mũi tên lấy cảm hứng từ đó.
12. Ferrari
Trên đỉnh của logo Ferrari là màu cờ Italia. Tấm khiên vàng bên dưới biểu trưng màu của vùng Modena – nơi sinh của Enzo Ferrari. 2 ký tự SF là viết tắt của Scuderia Ferrari (Team Ferrari). Hình ảnh “ngựa chồm” biểu trưng của hãng là hình ảnh lấy từ máy bay của Francesco Baracca – phi công và anh hùng dân tộc của Italia hy sinh vào năm 1918. Một điểm thú vị ở đây là hình ảnh chú ngựa được cho là lấy từ máy bay của một phi công Đức đã bị Baracca bắn hạ tại Stuttgart – nơi đặt trụ sở sản xuất của Porsche. Do đó, (có thể) 2 chú ngựa trong hình ảnh logo Porsche và Ferrari là tương đồng.
13. Ford
Hình bầu dục màu xanh da trời đã được thương hiệu Mỹ sử dụng từ năm 1927 để vinh danh nhà sáng lập Henry Ford. Đây cũng là mẫu logo hiếm hoi gần như không thay đổi chút nào kể từ khi được sử dụng lần đầu tiên.
14. Hyundai
Dù nhìn khá giống… logo Honda nằm nghiêng, logo của Hyundai lại mang ý nghĩa (và hình ảnh ẩn) hoàn toàn khác biệt: cái bắt tay thể hiện sự tin tưởng giữa 2 con người – khách hàng và Hyundai, trong đó Hyundai là người nghiêng mình về phía trước.
15. Infiniti
Có 2 cách hiểu logo của Infiniti dù cả 2 đều thể hiện 1 hình ảnh duy nhất: hình tam giác với góc nhọn hướng lên trên. Cách hiểu đầu tiên cho rằng đây là con đường hướng tới tương lai. Trong khi đó cách hiểu thứ 2 thì cho đây là núi Phú Sĩ – hình ảnh biểu trưng và cũng là đỉnh cao của Nhật Bản.
16. Jaguar
Tên gọi ban đầu của Jaguar là SS Cars nhưng sau đó đã buộc phải đổi đi từ năm 1945 do trùng với Quân đoàn SS của Đức quốc xã trong Thế chiến thứ 2. Hình ảnh báo đốm được chọn để thể hiện suy nghĩ và hành động luôn tiến về phía trước
17. Koenigsegg
Nhà sáng lập Christian von Koenigsegg có tên đệm gốc từ nước Đức. “Von” cũng thường chỉ giới quý tộc và Koenigsegg, thực chất, thuộc một nhánh của những kỵ sĩ đế chế German-Romanic vào thời kỳ Trung Cổ. Logo dạng khiên với hình thoi vàng và đỏ đan xen chính là gia huy cách điệu của gia đình ông.
18. Kia
Biểu tượng logo của Kia khá đơn giản song lại mang nhiều ý nghĩa sâu xa. Cái tên KIA xuất phát từ nghĩa của hai từ Hán tự là “Ki” và “A”. Trong đó:
- Ki là tượng trưng cho sự phát triển, vươn ra ngoài.
- A là Asian – Châu Á.
Khi hai kí tự này đứng cùng một chỗ sẽ mang đến ý nghĩa về sự tăng trưởng và lớn mạnh vượt ra khỏi Châu Á.
19. Lada
Ban đầu, Lada chỉ là tên dòng xe xuất khẩu của thương hiệu Zhiguli (tên 1 dãy núi ở Volga) trong liên bang Xô Viết. Lada cũng là từ dùng để chỉ một dạng sông – hình ảnh ta phần nào có thể mường tượng ra khi nhìn vào logo.
20. Lamborghini
Một logo khác lấy ý tưởng từ cung Hoàng đạo của người sáng lập, lần này là ông Feruccio Lamborghini với cung Taurus – Kim Ngưu. Cảm hứng của ông lấy từ một lần tới thăm trang trại nuôi bò đấu Miura ở Seville, Tây Ban Nha. Ngoài ra hình ảnh chú trâu cũng đại diện cho sức mạnh của các siêu xe Lamborghini.
21. Lotus
Nguồn gốc chính thức đằng sau cái tên Lotus chưa bao giờ được tiết lộ, tuy nhiên có nhiều nguồn đáng tin cậy chỉ ra rằng cái tên Lotus (hoa sen) được chọn bởi hiểu biết của nhà sáng lập Colin Chapman về loài hoa này, bên cạnh việc hoa sen cũng là biểu tượng của Nirvana (cõi thiên đường) trong Phật giáo.
Màu vàng ở phía ngoài logo đại diện cho những tháng ngày tươi đẹp, màu xanh lá phía trong là màu đua của Anh – nguồn gốc của Lotus. Các ký tự trên cùng là chữ cái đầu tiên trong tên đầy đủ của nhà sáng lập: Anthony Colin Bruce Chapman.
22. Maserati
Cây đinh ba được “lấy ra” từ tượng thần biển Neptune đặt tại quảng trường trung tâm Piazza Maggiore, Bologna – quê hương của thương hiệu này. Ngoài ra nó cũng thể hiện sức mạnh của Neptune – bao gồm động đất, bão tố và… ngựa.
23. Mazda
Cái tên Mazda có nguồn gốc từ Ahura Mazda – vị thần sáng tạo trong Hỏa giáo – một trong những Tôn giáo khá phổ biến vào giai đoạn sơ khai ở châu Á. Mazda cũng có nghĩa là thông thái và trùng hợp thay, cũng là tên Tây hóa của nhà sáng lập Jujiro Matsuda. Thương hiệu Nhật Bản cũng từng thay logo khá nhiều với logo hiện tại được sử dụng từ 1996. Chữ M trong logo là Mazda còn khung tròn bên ngoài là mặt trời.
24. McLaren
Logo nguyên bản của McLaren là hình tượng chim Kiwi – biểu tượng của New Zealand – quê hương nhà sáng lập Bruce McLaren. Vào giai đoạn 1980, thiết kế mới với hình nhiều mũi tên được hãng sử dụng lấy từ nhà tài trợ chính vào lúc đó là thương hiệu thuốc lá Marlboro. Vào năm 1997, chỉ một mũi tên được giữ lại và sau này chuyển hẳn sang dạng “tròn trịa” giống boomerang như bây giờ. Theo thương hiệu siêu xe, hình ảnh hiện tại “gợi lên vẻ hung dữ trên động vật và côn trùng ăn thịt”.
25. Mercedes-Benz
Mercedes là tên con gái của đối tác Daimler vào thời điểm đó, Emil Jellinek trong khi Benz là tên của Karl Benz – người đã chế tạo ra chiếc xe đầu tiên. Khi 2 thương hiệu hợp nhất vào năm 1926, cái tên Mercedes-Benz ra đời.
Logo của thương hiệu xe sang Đức có nguồn gốc từ tấm bưu thiếp mà Gottlieb Daimler gửi cho vợ mình vào giai đoạn 1870. Trong bưu thiếp, ông kể lại rằng mình đang sống với một ngôi sao 3 cánh và rồi rằng “một ngày nào đó ngôi sao này sẽ tỏa sáng trên những nhà máy của chúng ta”. Mercedes-Benz sử dụng logo này lần đầu vào năm 1910 với 3 cánh tượng trưng cho biển, đất liền và bầu trời.
26. MG
MG là viết tắt của Morris Garages – thương hiệu của William R Morris tách riêng khỏi công ty khởi điểm ông mở ra tại Oxford từ năm 1924. Logo hình bát giác của hãng được lựa chọn để tách biệt hẳn ra khỏi các dòng xe Morris trước đó.
27. Mitsubishi
Khác với các thương hiệu khác, chính tên gọi của Mitsubishi được dùng để miêu tả logo chứ không phải ngược lại như thường thấy. Mitsu có nghĩa là 3 trong khi Hishi là hình thoi/hình kim cương. Nhà sáng lập thương hiệu, ông Yataro Iwasaki chọn hình tượng này bởi nó vừa bao hàm gia huy của nhà Tosa – nơi ông làm việc trước đó, và nhà Iwasaki.
28. Morgan
Nguyên nhân mà thương hiệu Anh chọn logo hình đôi cánh chưa bao giờ được làm rõ nhưng nhiều nguồn tin kể lại rằng nó đến từ phi công tham gia vào Thế chiến thứ nhất – ông Albert Ball khi ông kể lại cảm giác lái xe Morgan “tuyệt vời như khi đang lái máy bay”.
29. Nissan
Là cụm từ viết tắt của Nihon Sangyo (Nền công nghiệp Nhật Bản). Ban đầu logo của hãng có hình chữ nhật xanh da trời nằm trên hình tròn đỏ (cờ của đất nước Nhật Bản – biểu tượng mặt trời mọc). Đến thập niên 90, hình ảnh này được “chrome hóa” để thể hiện sự hiện đại, tân thời.
30. Opel
Chữ Z trong logo của Opel là cách mà hãng thể hiện lòng biết ơn với dòng xe tải Blitz (Sấm sét) – dòng xe đã vực dậy cả thương hiệu sau Thế chiến thứ 2. Không chỉ mang hình ảnh tia sét, đây cũng là chữ cái cuối cùng của tên chiếc xe tải này.
31. Peugeot
Hình ảnh sư tử đứng bằng 2 chân sau của Peugeot đã xuất hiện từ năm 1847 – rất lâu trước khi Peugeot tham gia làng ô tô toàn cầu. Hình mẫu nguyên gốc của nó biểu trưng cho “hàng hóa chất lượng cao”. Từ năm 1923, các dòng xe Peugeot bắt đầu trang bị đầu sư tử trang trí trên nắp ca pô. Đến năm 1948 khi dòng 203 ra mắt, một hình tượng sư tử khác quen thuộc hơn xuất hiện, đó chính là hình ảnh khắc trên áo giáp của vùng Franche-Comte nơi Armand Peugeot sinh ra. Trải qua năm tháng, hình ảnh này ngày càng trở nên góc cạnh hơn.
32. Porsche
Biểu tượng của Porsche gắn liền với thành phố quê hương của họ – Stuttgart. Nằm ngoài tấm khiên có hình con ngựa là biểu trưng áo giáp của Tiểu bang Wurttemberg (với Stuttgart làm thủ đô) – thành lập sau khi chế độ quân chủ tại Đức sụp đổ vào năm 1918.
Biểu tượng giống như sừng hươu trên logo có nguồn gốc từ thế kỷ thứ 10, thể hiện văn hóa, lịch sử và ngôn ngữ của khu vực Swabia thuộc Tây Nam nước Đức hiện giờ. Các dòng kẻ ngang đỏ và đen thì tới từ Công tước vùng Wurttemberg.
33. Renault
Ban đầu, biểu tượng của Renault không phải hình kim cương như bây giờ mà là… hình tròn (trước giai đoạn 1923). Nguyên nhân của sự thay đổi có lẽ là do hình ảnh này hợp với tản nhiệt xe (tách đôi ở chính giữa) vào lúc bấy giờ hơn. Dòng tên Renault trên logo gốc cũng biến mất vào năm 1972, đồng thời các cạnh kim cương được làm nổi bật lên để tăng vẻ ấn tượng.
34. Rolls-Royce
Ban đầu, Rolls-Royce chỉ sử dụng logo là 2 chữ R chồng lên nhau. Tuy nhiên về sau ngày càng nhiều khách hàng của thương hiệu Anh Quốc đề đạt một thứ gì đó “nổi bật và ấn tượng hơn”. Kết quả là bức tượng “Spirit of Ecstasy” ra đời – với bản gốc thực chất không phải do Rolls-Royce chế tác. Biểu tượng này lấy nguyên mẫu từ một người phụ nữ có sắc đẹp mê hồn, thông tuệ và hài hước, nhưng địa vị xã hội ngăn cản cô lấy người mình yêu – một vị bá tước thuộc dòng dõi quý tộc Anh Quốc.
Vị bá tước sau đó đặt hàng nhà điêu khắc Charles Robinson Sykes, bạn ông, một biểu tượng đặc biệt để gắn lên chiếc xe riêng Rolls Royce Silver Ghost và hình tượng đó chính là cô gái mà ông không thể tiến tới.
35. Rover
36. Saab
Rover còn mang nghĩa “người đi biển” – trong đó nổi tiếng nhất không ai khác là dân Viking. Hình ảnh mà chúng ta thấy trên logo Rover chính là một chiếc thuyền dài hay được người Viking sử dụng trước kia.
Logo hình griffin (sinh vật huyền thoại với đầu và cánh đại bàng, thân sư tử) lần đầu xuất hiện vào năm 1984 thay thế cho logo hình máy bay trước đó. Đây cũng là biểu tượng của vùng Skane và Gotland – quê hương của 2 thương hiệu Scania và Saab (sát nhập làm 1 từ năm 1968 tới 1995), thể hiện sự cảnh giác.
37. Skoda
Biểu tượng của Skoda là mũi tên với 3 lông vũ, giới thiệu lần đầu vào năm 1923. Mũi tên thể hiện sự chuyển động, lông vũ mang ý nghĩa đôi cánh tự do còn “con mắt” nằm giữa cho thấy sự chính xác. Màu xanh của logo thực chất chỉ được thêm vào từ năm 1990, thể hiện cho sự khởi đầu mới.
38. Smart
Chữ C trong logo là viết tắt của cụm từ cỡ nhỏ (Compact) trong khi mũi tên màu vàng ám chỉ sự phát triển, tiến bộ.
39. Spyker
Thành lập vào năm 1999 như “thế hệ thứ 2” của công ty Spijker (1880 – 1926) từng sản xuất máy bay cho Không quân Hà Lan vào thời kỳ Thế chiến thứ nhất, logo của Spyker là động cơ xoay thường thấy trên máy bay. Cụm từ “Nulla tenaci invia est via” bên dưới có nghĩa “Không có con đường nào không thể vượt qua bởi con người bền bỉ” trong tiếng Latin.
40. Ssangyong
Trong tiếng Hàn Quốc, Ssangyong có nghĩa là song long và logo của họ cũng thể hiện điều đó (dù theo một phong cách rất riêng).
41. Subaru
Khởi đầu là một phân nhánh của Tập đoàn công nghiệp nặng Fuji (FHI), Subaru có nghĩa “Đến với nhau” trong tiếng Nhật và là cái tên được gắn cho chòm sao Pleiades. Cách bố trí chòm sao này được sử dụng làm logo ban đầu của Subaru nhưng về sau vị trí các ngôi sao được sắp xếp lại để thể hiện thêm 1 tầng nghĩa mới: Ngôi sao lớn bên trái là FHI trong khi 5 ngôi sao nhỏ hơn bên phải là các phân nhánh con của họ. Màu xanh dương trên logo cũng là màu của chòm sao Pleiades.
42. Tesla
Tên thương hiệu thuần xe điện của Mỹ được đặt theo nhà khoa học đã tìm ra dòng điện xoay chiều Nikola Tesla. Logo của họ là chữ T cách điệu và cũng là thiết kế của mô tơ điện với phần đứng thẳng là cột rotor còn phần cong phía bên trên là stator.
43. Toyota
Hình trái xoan bên trong biểu trưng cho trái tim của khách hàng và trái tim của Toyota giao hòa với nhau, qua đó thể hiện sự tin tưởng và quan hệ bền vững giữa 2 phía, chưa kể cách tạo hình này còn tạo ra chữ T – viết tắt của Toyota. Hình bầu dục bên ngoài là thế giới – “ôm trọn” lấy Toyota. Độ dày của mỗi hình trái xoan lại khác nhau nằm ám chỉ phong cách nghệ thuật và văn hóa thư pháp Nhật Bản. Mỗi khoảng trống phía bên trong đại diện cho 1 giá trị mà hãng coi trọng: chất lượng; giá trị; niềm vui thích khi cầm lái; sự sáng tạo; an toàn và cuối cùng là trách nhiệm với môi trường và xã hội.
44. Vauxhall
Cái tên Vauxhall lấy từ một khu vực thuộc London, Anh nơi hãng thành lập và cũng là một cách viết khác của Fulk’s Hall – ngôi nhà được thiết kế và xây dựng bởi Falkes de Breaute – lính đánh thuê thế kỷ 13 nắm quyền làm chủ vùng đất này nhờ hôn nhân chính trị. Áo giáp của gia đình ông có hình griffin và logo của hãng cũng vậy dù chi tiết lá cờ chữ V là được thêm vào.
45. Vinfast
Biểu tượng logo Vinfast được thiết kế duy nhất một chữ V cách điệu rất tinh tế, với những đường nếp gấp tinh xảo. Cảm hứng thiết kế biểu tượng logo Vinfast được áp dụng dựa trên yêu cầu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Logo thiết kế phải truyền tải được các nội dung chính là tinh thần của người Việt Nam, tập đoàn Vingroup và cùng ý chí “Vươn lên”. Ngoài ra, các đường nét trên xe đều quy chuẩn về hình dáng chữ V. Đó chính là lí do cho biểu tượng chữ V – Vinfast được ra đời.
46. Volvo
Biểu tượng vòng tròn với mũi tên hướng lên trên là biểu tượng thần chiến tranh trong ngôn ngữ Roman, đồng thời cũng mang nghĩa vũ khí và kim loại. Các nhà sáng lập nên Volvo trước đó từng làm việc trong ngành công nghiệp chế tạo sắt, do đó họ ngưỡng mộ nhiều đặc tính của dòng kim loại này và muốn chúng được phản chiếu lên các mẫu xe của mình, chẳng hạn như sự vững chãi tạo nên an toàn và độ bền bỉ.
47. Volkswagen
Logo của Volkswagen, “V” chồng lên trên một chữ “W” trên một nền màu xanh dương, được bao quanh bởi một vòng tròn. “V” là Volks – dân chúng, và “W” là Wagen có nghĩa là chiếc xe. Qua đó, logo sẽ nói lên cho ta ý nghĩa của biểu tượng nghĩa là “chiếc xe của dân chúng”.