Nguồn: baodautu

Công nghiệp ô tô trước cơ hội là ngành sản xuất trụ cột

Khi thị trường mở bung cửa, nếu không có nền sản xuất trong nước trụ vững, thì kim ngạch nhập khẩu riêng mặt hàng ô tô được dự báo lên tới khoảng 12 tỷ USD vào năm 2025.

Thị trường tiềm năng

Kể từ khi cho phép đầu tư trực tiếp nước ngoài tham gia lĩnh vực công nghiệp ô tô vào những năm 90 của thế kỷ trước, tới nay, đã có nhiều thương hiệu lớn có hoạt động sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, như

Toyota, Hyundai, Kia, Mazda, Honda, GM, Chevrolet, Ford, Mitsubishi, Nissan, Suzuki, Isuzu, Mercedes-Benz, Hino.


Dây chuyền sản xuất ô tô buýt tại Khu phức hợp Chu Lai – Trường Hải. Ảnh: Chí Cường

Năm 2015, sản lượng sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước đạt trên 200.000 xe, tăng 51% so với năm 2014. Năm 2016, sản lượng tiếp tục tăng mạnh, đạt trên 283.300 xe/năm, tăng 38% so với năm 2015, trong đó có 216.000 xe du lịch.

Dẫu vậy, quy mô thị trường ô tô Việt Nam vẫn còn quá nhỏ khi sản lượng tiêu thụ thấp nhất trong 5 nước có ngành công nghiệp ô tô tại ASEAN, chỉ bằng 1/3 quy mô thị trường ô tô của Thái Lan và 1/4 của thị trường Indonesia.

Theo các chuyên gia, tiềm năng phát triển công nghiệp ô tô phụ thuộc vào 3 yếu tố: quy mô và cơ cấu dân số; thu nhập bình quân đầu người; số lượng xe bình quân trên 1.000 dân.

Tại Việt Nam, xu thế ô tô hóa dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới, khi GDP bình quân đầu người vượt 3.000 USD và có trên 50 xe/1.000 dân. Năm 2017, GDP trên đầu người của Việt Nam đã đạt 2.370 USD.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu – những khách hàng tiềm năng lớn của xe cá nhân. Đến năm 2020, dự kiến nhu cầu thị trường trong nước đạt 450.000 – 500.000 xe và năm 2025 sẽ đạt 800.000 – 900.000 xe.

Với các xu hướng như vậy, Việt Nam đã trở thành đích ngắm của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới.

Bài học từ ASEAN

Xét trên quy mô toàn cầu, các tập đoàn đa quốc gia hiện chiếm lĩnh và chi phối về nghiên cứu và phát triển, công nghệ, thị trường trong ngành công nghiệp ô tô thế giới. Chỉ 15 tập đoàn hàng đầu đã chiếm 82% thị trường ô tô toàn cầu.

Chuỗi giá trị toàn cầu ô tô hiện nay được tổ chức rất chặt chẽ, với một số ít thành viên dẫn dắt hay “người tích hợp hệ thống” là các tập đoàn đa quốc gia. Các tập đoàn này đóng vai trò đầu mối trong việc đổi mới, phát triển sản phẩm, đảm bảo nguyên liệu, định vị sản xuất, chuyển giao thông tin và công nghệ, tổ chức hậu cần vận chuyển, thực hiện marketing, đẩy mạnh tiêu thụ và dẫn dắt trong từng chuỗi giá trị.
Các thương hiệu lớn này kiểm soát mặt hàng được sản xuất, nơi sản xuất, người sản xuất, số lượng, giá cả và quy trình và có quy định, thỏa thuận về thị phần, phân khúc cụ thể cho sản xuất và nhập khẩu, tùy thuộc vào điều kiện thị trường.

Tại ASEAN, Thái Lan là một trường hợp điển hình. Không xây dựng bất cứ thương hiệu ô tô nào của riêng mình, nhưng ngành công nghiệp ô tô của nước này quy tụ được hầu hết các thương hiệu lớn trên thế giới.

Sau hơn 50 năm phát triển, Thái Lan hiện có 17 doanh nghiệp lắp ráp ô tô, nhưng có tới 2.400 doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh phụ kiện, công nghiệp hỗ trợ. Với dân số hơn 60 triệu người, kém xa so với Việt Nam, nhưng lượng xe ô tô sản xuất tại Thái Lan đạt 2,1 – 2,4 triệu chiếc/năm, thuộc Top 10 nước sản xuất ô tô lớn nhất và bỏ xa mức 200.000 – 300.000 xe/năm của Việt Nam.

Tại Indonesia, công nghiệp ô tô cũng tăng trưởng mạnh, với tốc độ tăng bình quân 20%/năm, sản lượng và doanh số bán hàng năm 2013 đạt trên 1,2 triệu xe.

Để kích thích phát triển sản xuất trong nước với một thị trường hơn 300 triệu dân, tại Quy hoạch Phát triển kinh tế Indonesia giai đoạn 2011 – 2015 được công bố tháng 5/2011, Chính phủ nước này đã xác định, công nghiệp ô tô là ngành có vai trò cốt lõi trong phát triển kinh tế đất nước.

Malaysia cũng không bỏ qua cơ hội phát triển ngành công nghiệp ô tô, nhưng đi theo cách xây dựng thương hiệu nội địa cho riêng thị trường này. Tuy nhiên, sau khoảng 20 năm phát triển, các thương hiệu nội địa của Malaysia vẫn đứng trước nguy cơ bị lấn sân bởi các thương hiệu quốc tế.

Khác với Thái Lan và Indonesia, tại Philippines, công nghiệp ô tô với dung lượng thị trường xấp xỉ 200.000 xe/năm đã bị chiếm lĩnh phần lớn bởi xe nhập khẩu do thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN và các đối tác trong các hiệp định thương mại tự do khác rất thấp, trong khi sản xuất trong nước trì trệ do thiếu sự hỗ trợ từ phía nhà nước. Điều này đã khiến các nhà sản xuất nước ngoài đóng cửa các dây chuyền sản xuất, lắp ráp ở Philippines và chuyển sang nhập khẩu từ các nước khác trong khu vực.

Cơ hội nào cho Việt Nam?

Với thuế suất thuế nhập khẩu về 0% từ năm 2018, việc dừng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc ngay từ quý IV/2017 để chờ sự đổ bộ của xe từ Thái Lan, Indonesia trong năm 2018 nhằm hưởng lợi đã được nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐTV Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải cho hay, kinh nghiệm từ các nước đi trước cho thấy, khi có các chính sách phát triển phù hợp (trong đó có kiểm soát xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu, bảo vệ sản xuất, lắp ráp trong nước) và thị trường trong nước đủ lớn, công nghiệp ô tô sẽ mang lại những lợi ích to lớn cả về mặt kinh tế, xã hội và khoa học – công nghệ.

“Philippines đã rơi vào thực trạng là khi thị trường đang phát triển, chính sách không rõ ràng, khiến các nhà sản xuất lắp ráp đành rút khỏi thị trường để chuyển sang nhập khẩu. Đến khi nhu cầu tiêu dùng ô tô ở Philippines bùng nổ, ô tô nguyên chiếc được nhập khẩu ồ ạt để đáp ứng nhu cầu trong nước, đã gây ra thâm hụt cán cân thương mại nghiêm trọng”, ông Dương nói.

Hiện tại, sản xuất ô tô của Việt Nam đang dồn về một số doanh nghiệp như Trường Hải, Hyundai Thành Công, Toyota Việt Nam và mới xuất hiện thêm Vinfast.

Trước áp lực cạnh tranh của xe nhập khẩu nguyên chiếc từ khu vực ASEAN từ năm 2018 trở đi, Công ty Toyota Việt Nam dự kiến vẫn duy trì sản xuất ô tô tại Việt Nam với sản lượng 50.000 xe/năm đối với vài mẫu xe CKD chủ lực có nhu cầu tiêu thụ cao, tạo điều kiện nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tăng khả năng cạnh tranh. Các mẫu xe có sản lượng nhỏ, khó giảm giá thành sản xuất sẽ được chuyển sang nhập khẩu từ các nước trong khu vực.

Trong khi đó, tổng mức đầu tư cho công nghiệp ô tô của Trường Hải tại Khu phức hợp Chu Lai – Trường Hải kể từ năm 2002 đến tháng 10/2016 là khoảng 32.000 tỷ đồng, tương đương 1,4 tỷ USD và 5 dòng xe được cung cấp ra thị trường gồm xe buýt, xe tải và các thương hiệu xe con Mazda, Kia, Peugeot.

“Chúng tôi lựa chọn các thương hiệu quốc tế chưa có nhà máy tại khu vực ASEAN hoặc đang muốn mở rộng hoạt động tại khu vực này để cùng phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam, nhắm tới cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu”, ông Dương nói.

Trong kế hoạch tăng tốc đầu tư tại Khu phức hợp Chu Lai – Trường Hải giai đoạn 2016 – 2018, Trường Hải sẽ đầu tư thêm 30.470 tỷ đồng để xây mới và mở rộng các nhà máy ô tô, sản xuất phụ kiện, trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Đáng mừng là, với sự tăng tốc đầu tư này, một số thương hiệu bấy lâu được lắp ráp, phân phối bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tìm tới Trường Hải để hợp tác, như Fuso thuộc Tập đoàn Dailmer và BMW (đều đến từ Đức).

Tại Công ty Ô tô Hyundai Thành Công, năm 2017 đã có 2 liên doanh được thành lập với Tập đoàn Hyundai Motor Hàn Quốc để sản xuất xe Hyundai du lịch và Liên doanh sản xuất – phân phối xe thương mại Hyundai. Sản lượng bán xe của Hyundai Thành Công hiện nằm trong top 5 doanh nghiệp có doanh số lớn nhất tại Việt Nam.

Nhân tố mới trong ngành ô tô là Tập đoàn Vingroup với Dự án ô tô Vinfast, có tổng vốn đầu tư lên tới 3,5 tỷ USD. Tuy mới ra mắt, nhưng đã cam kết sản xuất 1 mẫu sedan và 1 mẫu SUV mang thương hiệu Việt trong giai đoạn 2019 – 2020, với mục tiêu đạt 500.000 xe/năm vào năm 2025.

Mới đây nhất, ngày 18/1/2018, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast đã hoàn tất hợp đồng sản xuất mẫu xe với nhà thiết kế Pininfarina để sản xuất 2 xe mẫu Sedan và SUV có giá trị 5 triệu USD. Tuy không hợp tác trong việc cung cấp các thiết bị và linh kiện cho hoạt động sản xuất, lắp ráp sau này, nhưng Vinfast cũng cùng BMW ký hợp đồng về gói giấy phép bao gồm bản quyền sở hữu trí tuệ và các phương pháp trong công nghệ sản xuất.

“Để các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước duy trì sản xuất, giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động, giảm bớt tình trạng nhập siêu trong ngành ô tô, cần có giải pháp đồng bộ hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước cắt giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm như phát triển công nghiệp hỗ trợ, điều chỉnh hợp lý các chính sách về thuế, phí”, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhận xét.

Advertisement

Chia sẻ ý kiến của bạn