Hoàng Anh - Tổng hợp

Các phương pháp và thiết bị chẩn đoán hệ thống lái trên ô tô (Phần 1)

(News.oto-hui.com) – Hệ thống lái có vai trò điều khiển hướng chuyển động của xe bằng cách tác động tới hướng chuyển động của bánh xe dẫn hướng. Cùng tìm hiểu các phương pháp và thiết bị chẩn đoán hư hỏng hệ thống lái trên xe ô tô qua bài viết này nhé.

I. Đo độ rơ và lực đặt trên vành lái:

1. Đo độ rơ vành lái:

Độ rơ vành lái là một thông số tổng hợp quan trọng biểu thị độ mòn của hệ thống lái. Độ mòn này là tổng hợp các độ mòn của nhiều bộ phận, chi tiết khác nhau trong hệ thống lái như các cơ cấu lái, khâu khớp trong dẫn động lái và cả của hệ thống treo.

Việc đo độ rơ của vành lái được thực hiện khi xe đang trọng trạng thái đứng yên, đứng trên nền phẳng và coi bánh xe bị khóa cứng không dịch chuyển. Khi đo độ rơ của vành lái, người đo sẽ sử dụng lực kế hay dùng cảm nhận trực tiếp trên cơ thể để kiểm tra độ rơ giống như trong hình. Nếu xe có hệ thống trợ lực thì phải để động cơ ở trạng thái nổ máy và ở số vòng quay nhỏ nhất.

Phương pháp đo độ rơ vành lái (Kỹ thuật chẩn đoán ô tô - Nguyễn Khắc Trai)
Phương pháp đo độ rơ vành lái (Kỹ thuật chẩn đoán ô tô – Nguyễn Khắc Trai).

Giá trị của lực kéo để đo độ rơ của vành lái sẽ tùy thuộc vào từng loại xe, các giá trị này thường nằm trong khoảng:

  • Đối với các dòng xe con sẽ là (10 – 20)N, khi có trợ lực lái (15 – 25)N.
  • Đối với các dòng xe tải sẽ là (15 – 30)N, khi có trợ lực lái (20 – 35)N.

Độ rơ của vành lái có thể được đo bằng đơn vị độ hoặc mm, điều này sẽ tùy thuộc vào quy ước của nhà sản xuất. Ví dụ như trên các dòng xe tải của hãng xe HINO hoặc HUYNDAI, độ rơ của vành lái sẽ dao động trong khoảng 15 – 35mm.

Nếu độ rơ của vành lái bị tăng lên, điều này chứng tỏ hệ thống lái đã bị mòn, các liên kết bị lỏng,…Hiện nay, những chiếc xe ô tô có tốc độ di chuyển càng nhanh thì yêu cầu về độ rơ vành lái phải càng nhỏ. Giá trị độ rơ cho phép ban đầu thường được tra theo tiêu chuẩn kĩ thuật của nhà sản xuất.

2. Đo giá trị lực trên vành lái:

Để có thể đo được giá trị lực trên vành lái, cần thực hiện lần lượt các thao tác sau:

  • Để xe đứng yên trên mặt đường tốt và phẳng.
  • Đánh lái tới vị trí gần tận cùng. Sử dụng lực kế đo giá trị lực tại vị trí đó để xác định giá trị lực lớn nhất của vành lái. Nếu xe có hệ thống trợ lực lái thì phải để động cơ ở trạng thái hoạt động và số vòng quay nhỏ nhất.
  • Dùng lực kế khi đánh lái về hai hướng khác nhau còn cho biết sai lệch lực đánh lái khi rẽ phải hay rẽ trái.
Phương pháp đo giá trị lực trên vành lái (Kỹ thuật chẩn đoán ô tô - Nguyễn Khắc Trai).
Phương pháp đo giá trị lực trên vành lái (Kỹ thuật chẩn đoán ô tô – Nguyễn Khắc Trai).

Nếu kiểm tra mà phát hiện sự sai khác về lực, điều này chứng tỏ:

  • Độ mòn của cơ cấu lái về hai phía khác nhau.
  • Góc đặt bánh xe của hai phía không đồng đều.
  • Xuất hiện hiện tượng biến dạng thanh đòn dẫn động của hai bánh xe dẫn hướng.
  • Lốp xe ở hai bên có áp suất lốp khác nhau.

3. Đo góc quay của bánh xe dẫn hướng:

Để có thể đo được góc quay của bánh xe dẫn hướng, cần thực hiện lần lượt các thao tác sau:

  • Cho đầu xe lên các bệ kiểu mâm xoay có ghi độ. Dùng vành lái lần lượt đánh lái hết về hai phía. Sau đó xác định các góc quay bánh xe trên mâm xoay chia độ.
  • Trường hợp không có mâm xoay chia độ, có thể thực hiện kiểm tra bằng phương pháp như sau. Đầu tiên sử dụng kích nâng đầu xe lên khỏi mặt đường sao cho có thể đánh lái được bánh xe tại chỗ. Đặt vành lái và bánh xe ở vị trí thẳng, đánh dấu vị trí đấy trên mặt đường. Sau đó đánh hết lái về hai phía, đánh dấu các vị trí góc mới của bánh xe trên mặt đường. Từ đó xác định được góc quay của bánh xe dẫn hướng.
Phương pháp đo góc quay của bánh xe dẫn hướng (Kỹ thuật chẩn đoán ô tô - Nguyễn Khắc Trai).
Phương pháp đo góc quay của bánh xe dẫn hướng (Kỹ thuật chẩn đoán ô tô – Nguyễn Khắc Trai).

Các góc quay về hai phía của bánh xe có thể khác nhau, nhưng các giá trị này ở cả hai bên bánh xe phải bằng nhau. Khi đánh lái bánh xe về hai phía, các góc quay của bánh xe không bằng nhau có thể vì các lí do sau:

  • Trụ đứng hoặc rôtuyl bị mài mòn.
  • Cơ cấu lái bị mài mòn, gây kẹt, mắc.
  • Đòn dẫn động lái ngang bị sai lệch.
  • Ốc hạn chế quay bánh xe bị hỏng.

4. Kiểm tra qua tiếng ồn:

Để kiểm tra thông qua tiếng ồn trên xe, cần để xe đứng yên trên nền phẳng. Tiếp đó lắc mạnh vành lái theo hai chiều nhằm tạo các lực đổi chiều. Lắng nghe các tiếng ồn phát ra trong hệ thống. Từ đó xác định vị trí cụ thể, nguyên nhân phát ra tiếng ồn.

Ngoài ra, cần phải kiểm tra độ rơ dọc trục của trục lái và các liên kết với buồng lái bằng cách lắc mạnh dọc vành lái theo phương dọc trục lái.

5. Chẩn đoán khi thử xe trên đường:

Để chẩn đoán khi thử xe trên đường, cần thực hiện lần lượt các thao tác sau:

  • Cho xe di chuyển trên mặt đường rộng, tốc độ thấp. Sau đó lần lượt đánh lái hết về hai phía, tạo nên chuyển động rích rắc. Theo dõi sự hoạt động của xe như lực đánh lái, khả năng quay vòng của xe. Ở tốc độ thấp có thể xác định hư hỏng của hệ thống lái theo toàn bộ góc quay.
  • Cho xe di chuyển ở tốc độ cao, khoảng 50% vận tốc lớn nhất của xe nhưng giới hạn góc quay vành lái từ 30 đến 50 độ. Xác định khả năng chuyển hướng linh hoạt của xe, qua đó đánh giá tính điều khiển của xe, cảm nhận lực đánh lái trên vành lái.
Chẩn đoán khi thử xe trên đường.
Chẩn đoán khi thử xe trên đường.

Những hư hỏng của hệ thống lái và góc đánh lái bánh xe sẽ phản ánh chất lượng    tổng hợp của hệ thống lái, hệ thống treo và bánh xe. Các dòng xe có nhiều cầu chủ động còn phải chịu thêm ảnh hưởng của hệ thống truyền lực.

6. Kiểm tra khả năng ổn định chuyển động thẳng khi di chuyển trên đường:

Để có thể kiểm tra khả năng ổn định chuyển động thẳng. Cần chọn một mặt đường thẳng, phẳng tốt. Cho xe di chuyển với vận tốc cao, khoảng 2/3 vận tốc lớn nhất mà xe có thể đạt được. Giữ vành lái ở vị trí trung gian cho xe di chuyển thẳng. Không giữ chặt vành lái và hiệu chỉnh hướng khi thử nghiệm.

Cho xe chạy trên đoạn đường khoảng 1000m. Xem xét độ lệch bên của xe, nếu độ lệch không quá 3m thì hệ thống lái và kết cấu bánh xe vẫn còn hoạt động tốt. Ngược lại, cần phải kiểm tra và sửa chữa bằng các phương pháp xác định khác.

II. Chẩn đoán hệ thống lái liên quan tới các hệ thống khác trên xe:

1. Chẩn đoán hệ thống lái liên quan tới góc đặt bánh xe, hệ thống treo:

Trên ô tô, tải trọng thẳng đứng có ảnh hưởng rất lớn đến quỹ đạo chuyển động đặc biệt là trên các dòng xe con. Nếu tải trọng thẳng đứng của xe có sự sai lệch, chuyển động thẳng của xe sẽ khó được đảm bảo. Ví dụ như khi xe di chuyển quay vòng sẽ làm cho các bánh xe ở hai bên chịu tải khác nhau, sau một thời gian dài có thể làm mài mòn lốp xe và khó đảm bảo quay vòng chính xác.

Chẩn đoán hệ thống lái liên quan tới góc đặt bánh xe, hệ thống treo
Chẩn đoán hệ thống lái liên quan tới góc đặt bánh xe, hệ thống treo.

Những kết cấu bị ảnh hưởng liên quan tới vấn đề này thường gặp trên xe là: thanh ổn định ngang, lò xo hoặc nhíp bị giảm đàn hồi sau một thời gian làm việc, góc bố trí bánh xe bị sai lệch. Biểu hiện rõ nhất cho việc này là sự mài mòn của các lốp xe.

Sự mài mòn trên bề mặt lốp xe sẽ nói lên trạng thái của góc đặt bánh xe và trụ đứng. Những góc đặt bánh xe này chịu ảnh hưởng của các đòn trong hình thang lái và dầm cầu, hệ thống treo. Chính vì thế nên nếu muốn chẩn đoán sâu hơn hơn và chính xác hơn về tình trạng của hệ thống lái liên quan tới bánh xe thì cần phải loại trừ trước khi đưa ra kết luận.

2. Chẩn đoán liên quan tới hệ thống phanh, hệ thống truyền lực:

Khi xe di chuyển, các lực dọc (lực phanh, lực kéo) tác dụng lên bánh xe. Nếu các lực này khác nhau hoặc bán kính lăn của bánh xe không được đồng đều sẽ gây ra hiện tượng lệch hướng chuyển động. Sự lệch hướng này sẽ được khắc phục nếu chúng ta khắc phục được hết các khiếm khuyết của các hệ thống đã nêu trên.

Đối với các dòng xe có nhiều cầu chủ động, cần chú ý tới các hệ thống truyền lực mà tại đó vi sai có khớp ma sát. Khi khớp ma sát xảy ra sự cố cũng có thể gây ra hiện tượng lệch lái hay tay lái bị nặng về một phía.

Chẩn đoán liên quan tới hệ thống phanh, hệ thống truyền lực.
Chẩn đoán liên quan tới hệ thống phanh, hệ thống truyền lực.

Đối với những dòng xe có hệ thống truyền lực kiểu AWD có khớp ma sát giữa các cầu và thường xuyên thực hiện gài cầu. Khi khớp ma sát này bị hư hỏng cũng có thể gây nên sai lệch tốc độ chuyển động của hai cầu và khiến cho xe khó kiểm soát chính xác hướng di chuyển. Ở trường hợp này có thể tháo các đăng truyền và để xe thử chạy bằng một cầu trong thời gian ngắn nhằm loại trừ ảnh hưởng của khớp ma sát.


Một số bài viết liên quan:

Advertisement

Chia sẻ ý kiến của bạn