(News.oto-hui.com) – Hãy thử tưởng tượng việc không có Shock Absorber (bộ giảm chấn, ống nhún trên ô tô), chiếc xe của bạn sẽ bị chồng chềnh như một chiếc thuyền trong suốt thời gian dài. Vậy thì điều gì ẩn chứa trong chế độ làm việc của giảm chấn (Shock Absorber) trên hệ thống treo?
Nhiệm vụ của giảm chấn (Shock Absorber):
Thực tế cho thấy mặt đường ít khi bằng phẳng, cùng với đó là sự chuyển hướng của xe trong quá trình di chuyển, vì vậy luôn hình thành các dao động tác động lên bánh xe. Từ đó truyền tới thân xe và người ngồi trên xe. Lò xo có thể làm giảm xung lực tác động, tuy nhiên bản thân nó lại bị dao động theo những xung va đập từ mặt đường dội lên và khối lượng bánh xe đè lên. Sự dao động của xe và lò xo sẽ kéo dài rất lâu nếu như không có Shock Absorber. Như vậy, ta thấy rằng chế độ làm việc của Shock Absorber giúp dập tắt các dao động nói trên, có thể kể đến một số loại Shock Absorber như sau: Shock Absorber loại 1 ống, loại 2 ống, hơi áp lực 2 ống, thủy lực …trong đó loại Shock Absorber 2 ống được sử dụng khá phổ biến trên xe.
Các chế độ làm việc của giảm chấn (Shock Absorber)
Shock Absorber tác dụng 2 chiều: Hoạt động ở trạng thái nén và trạng thái trả. Trong đó có nén mạnh, nén nhẹ, trả mạnh và trả nhẹ.
⏬ Chế độ nén:
↡ Nén mạnh: Lúc này khung xe và cầu xe tiến lại gần nhau: Piston đi xuống. Tốc độ chuyển động của cần piston cao (xe đi qua mặt đường có độ nhấp nhô lớn). Khi piston chuyển động xuống, áp suất trong buồng dưới piston sẽ tăng cao. Dầu sẽ đẩy mở van một chiều của piston và chảy vào buồng trên piston mà không bị sức cản nào đáng kể (không phát sinh lực giảm chấn). Đồng thời, một lượng dầu tương đương với thể tích chiếm chỗ của cần piston (khi nó đi vào trong xylanh) làm cho dầu không lên hết buồng trên mà sẽ bị ép qua van lá của van đáy và chảy vào bầu chứa. Đây là lúc mà lực giảm chấn được sức cản dòng chảy tạo ra.
↓ Nén nhẹ: Lúc này khung xe và cầu xe tiến lại gần nhau Piston đi xuống. Tốc độ chuyển động của cần piston thấp (xe đi qua mặt đường có độ nhấp nhô nhỏ). Nếu tốc độ của cần piston rất thấp thì van một chiều của van piston và van lá của van đáy sẽ không mở vì áp suất trong buồng trên nhỏ. Tuy nhiên, vì có các lỗ nhỏ trong van piston và van đáy nên dầu vẫn chảy vào buồng dưới và bầu chứa, vì vậy chỉ tạo ra một lực cản nhỏ.
⏫ Chế độ trả:
↟ Trả mạnh: Lúc này khung xe và cầu xe rời xa nhau, piston di chuyển lên trên. Tốc độ chuyển động của cần piston cao. Khi piston chuyển động lên, áp suất trong buồng trên sẽ tăng cao. Dầu sẽ đẩy mở van của piston và chảy vào buồng dưới. Vào lúc này, sức cản dòng chảy đóng vai trò lực giảm chấn. Vì cần piston chuyển động lên, một phần cần thoát ra khỏi xylanh nên thể tích chiếm chỗ của nó giảm xuống. Để bù vào khoảng hụt này dầu từ buồng chứa sẽ chảy qua van một chiều và vào buồng trên mà không bị sức cản đáng kể.
↑ Trả nhẹ: Lúc này khung xe và cầu xe rời xa nhau, piston di chuyển lên trên. Tốc độ chuyển động của cần piston thấp. Khi cần piston chuyển động với tốc độ thấp, van lá và van một chiều của piston vẫn đóng vì áp suất trong buồng dưới giảm chậm. Vì vậy, dầu trong buồng trên chảy qua các lỗ nhỏ trong van piston xuống buồng dưới. Dầu trong bầu chứa cũng chảy qua lỗ nhỏ trong van đáy vào buồng dưới, vì vậy chỉ tạo ra một lực cản nhỏ.
Van – yếu tố chính làm nên chế độ làm việc của giảm chấn (Shock Absorber)
Các van giúp điều khiển lực cần thiết để đẩy chất lỏng qua chúng tại một vận tốc piston nào đó. Chúng được chế tạo để mở theo các kỳ dựa trên áp lực chất lỏng. Điều này cho phép tạo kháng lực thấp khi piston di chuyển chậm và kháng lực cao khi piston chuyển động nhanh.
Hy vọng bài viết giúp các bạn phần nào hiểu thêm về giảm chấn (Shock Absorber) trên ô tô. Độc giả có thể tham khảo thêm cấu tạo và nguyên lý hoạt động của giảm chấn (Shock Absorber) tại đây!
Bài viết liên quan: