Thay vì rèn luyện chuyên môn, sinh viên đại học sau khi ra trường lại chọn nghề chạy xe ôm công nghệ, liệu có đáng?
(News.oto-hui.com) – Làm việc để có tiền cho cuộc sống là điều đương nhiên, không sai. Nhưng nó chỉ là một phần thành quả mà công việc mang lại. Nhiều bạn sinh viên mới ra trường với suy nghĩ cục diện: Lựa chọn cái nghề nào có nhiều tiền thì mình làm, muốn có tiền nhiều hơn như nghề chạy xe ôm công nghệ chẳng hạn. Mặc dù mình rất thích cái nghề này và đã bỏ ra mấy năm để học tập nó, nhưng vẫn lựa chọn bỏ nó vì thu nhập ban đầu ít hơn nghề khác mà lại vất vả hơn.
ĐỪNG BIẾN CUỘC ĐỜI LÀM NGHỀ CHỈ ĐỂ KIẾM SỐNG!
Rất nhiều bạn trẻ đã lựa chọn các công việc và yên vị ở vị trí dưới khả năng của họ. Bởi họ bị ngã theo con đường dễ dàng hơn thay vì phải trả cái giá vất vả cùng với giai đoạn chuẩn bị công phu, đau đớn hơn nhiều. Đây là lý do quân số của các hãng xe ôm công nghệ như Uber, Grab ngày một đông.
Các bạn có bận tâm với công việc mình lựa chọn đó có phù hợp với năng lực, sở trường của mình hay không, có tương lai hay không? Mình lựa chọn nó chỉ vì mình đang muốn có nhiều tiền hơn công việc mình yêu thích hiện tại. Với suy nghĩ rất lý tưởng và đầy sức thuyết phục rằng: Sau này mình có tiền rồi mình sẽ bỏ nghề này và quay về nghề mình thích.
Thế nhưng, các bạn không biết rằng mình đang bị rơi vào cái bẫy, một cái “bẫy thói quen” tàn độc. Bởi thói quen là điều rất khó thay đổi. Hiện tại bây giờ, bạn chưa có gì, không dám đánh đổi, không dám hy sinh. Vậy khi bạn có một chút gì đó rồi bạn càng không dám bởi bạn sợ. Nỗi sợ này lớn hơn rất nhiều nỗi sợ những ngày đầu còn gian khổ (sợ không đủ tiền trang trải cho cuộc sống). Bạn sợ mất đi những gì đã bao lâu vất vả dành dụm và cơ hội thực hiện ý tưởng đầy thuyết phục lúc ban đầu. Suy nghĩ ban đầu “sau này mình có tiền rồi mình sẽ bỏ nghề này quay về nghề mình thích” sẽ ngày càng xa vời hơn.
Ngành nào cũng vậy, nghề nào cũng vậy, công việc nào cũng vậy. Khi mới khởi đầu sẽ rất gian nan và “gian nan bắt đầu nản”. Ai cũng muốn chọn việc nhẹ nhàng và việc gian khổ dành cho ai? Khi bạn thấy nghi hoặc bản thân mình, nghi hoặc lựa chọn cái nghề của mình: Tại sao lương thấp thế? Thì hãy tự hỏi bản thân rằng: Tại sao ngoài kia có nhiều người học ngành như mình, theo nghề như mình nhưng sao họ lại có thành quả tốt như thế? Khi đó bạn sẽ có động lực để cố gắng hơn.
Hãy lựa chọn công việc mà bạn cảm thấy yêu thích nó. Bạn sẽ cảm thấy vui vẻ và tự hào, chẳng ngần ngại và sẵn sàng khoe với bạn bè, với xã hội hay trên tường cá nhân của bạn. Hãy lựa chọn công việc vì mục tiêu tương lai. Không nên làm việc với mục đích có tiền trong hôm nay để thoả mãn những nhu cầu tầm thường trước mắt. Bởi tiền chỉ là thành quả tất yếu mà nó sẽ mang lại cho bạn nếu như bạn làm tốt công việc. Công việc còn mang lại cho bạn thoả niềm vui, mang lại cho bạn sự tự hào, mang lại cho bạn những mỗi quan hệ chất lượng trong xã hội. Bạn được người khác tôn trọng và mang lại cho bạn cơ hội tự khẳng định mình, thể hiện bản thân…
Nếu lựa chọn công việc gì đó mà mình không say mê, không yêu thích không nhiệt tình với nó thì sẽ rất khó đạt được những thành quả lớn.
Nếu lựa chọn công việc nào đó chỉ vì bạn muốn có tiền nhiều hơn mà bạn không có sở trường cho những yêu cầu của công việc đó thì cố gắng lắm bạn cũng chỉ đạt tới mức trung bình của nghề.
Hỡi những anh em kỹ thuật viên sửa chữa ô tô đồng nghiệp của tôi ơi!
Nếu bạn làm sửa chữa ô tô mà chỉ vì kiếm tiền mưu sinh mà không sẵn sàng dấn thân với nó, không yêu thích nó, không chấp nhận đánh đổi điều gì đó. Một ngày kia bạn sẽ thấy nghi ngờ bản thân mình, rồi nhảy qua kinh doanh, hay nhảy qua bán hàng online, qua bất động sản… Vì bạn thấy họ làm không vất vả mà kiếm tiền quá ngon. Bởi con người có xu hướng đứng núi này luôn thấy núi khác cao hơn. Điều duy nhất bạn không hề biết rằng họ đã có sở trường hơn bạn ở lĩnh vực đó, và họ cũng sẵn sàng dấn thân, lăn xả hơn bạn hiện tại.
Hãy cẩn thận với quyết định của bạn! Tôi chúc bạn lựa chọn được nghề phù hợp với chính mình!
Theo Đặng Luyện, GĐ Trung Tâm Huấn Luyện Kỹ Thuật Ô Tô Việt Nam
Bài viết liên quan:
- Sinh viên ô tô cần chuẩn bị gì để không thất nghiệp, chia sẻ từ một kỹ sư ô tô sau 7 năm làm việc
- Những điều cần biết với sinh viên ô tô mới bước vào ngành “Lắm dầu nhiều mỡ”