Ngày 8 tháng 8, Mazda đã công bố tầm nhìn dài hạn về phát triển kỹ thuật đến năm 2030 đặt tên là “Triết lý bền vững Zoom-Zoom năm 2030” nhằm biến việc lái xe trở thành niềm vui để “giải quyết các vấn đề mà con người, trái đất và xã hội đang đối mặt”. Đây thật sự là một mục đích cao cả.
Một trong những phần quan trọng nhất của kế hoạch này là động cơ xăng hoạt động dựa trên chu trình hỗn hợp đầu tiên trên thế giới. Trong động cơ này hỗn hợp hòa khí tự bốc cháy khi bị nén tới áp suất cao giống như động cơ diesel. Động cơ mà chúng ta chờ đợi bấy lâu nay được đặt tên là SkyActiv-X, nó kết hợp được các ưu điểm của động cơ xăng và động cơ diesel để làm tăng hiệu suất và tạo ra lượng khí thải thấp.
Quá trình cháy với hỗn hợp hòa khí nghèo sẽ làm tăng hiệu suất động cơ HCCI từ 20 đến 30% so với động cơ SkyActiv-G hiện tại và từ 35 đến 40% so với động cơ xăng có cùng công suất đời 2008 của hãng. Mazda cho biết công nghệ này hiệu quả đến mức cho phép động cơ SkyActiv-X đạt được hiệu suất nhiên liệu ngang bằng hoặc thậm chí cao hơn động cơ diesel SkyActiv-D mới nhất.
Động cơ này cũng được trang bị một bộ siêu tăng áp và được cho là đã cải thiện độ nhạy, mômen xoắn cực đại tăng thêm từ 10 đến 30% so với động cơ SkyActiv-G. Kết quả là động cơ này đạt hiệu quả cao trên các phương diện như tốc độ và tải, cho phép lựa chọn dải tỉ số truyền rộng hơn, điều này giúp tiết kiệm nhiên liệu và tăng hiệu suất lái.
Ngoài việc cung cấp các thông tin ban đầu về động cơ mới, hãng xe này cũng đã tìm giải pháp để định hình lại sáng kiến của họ. Đầu tiên, Mazda sẽ giới thiệu những mẫu xe điện và các công nghệ truyền động bằng điện từ năm 2019 trong những lĩnh vực có sử dụng năng lượng sạch cao và hạn chế bán một số loại xe để giảm ô nhiễm không khí.
Mặc dù Mazda có hướng phát triển năng lượng điện nhưng họ cam kết vẫn sẽ tiếp tục hoàn thiện động cơ đốt trong bởi vì đây vẫn sẽ là nguồn năng lượng chính của xe hơi trên toàn thế giới trong nhiều năm tới. Do đó, họ có tiềm năng lớn nhất trong việc giảm phát thải khí CO2 cùng với những nỗ lực điện khí hóa của công ty.
Từ bây giờ, Mazda cũng sẽ triển khai việc đo lường sự giảm khí thải CO2 bằng một phương pháp đơn giản “well-to-wheel”. Họ sẽ xem xét lượng phát thải trong toàn bộ vòng đời của chiếc xe, mục đích là làm giảm mức phát thải khí CO2 trung bình xuống 50% so với mức của năm 2010 vào năm 2030 và giảm 90% vào năm 2050.
Về độ an toàn, Mazda sẽ trang bị công nghệ hỗ trợ lái i-ActivSense như là một tiêu chuẩn trên tất cả các mẫu xe hãng bán ra. Họ đã thực hiện điều này ở Nhật Bản và sẽ dần trang bị tính năng này trên toàn bộ xe của hãng ở các thị trường khác từ năm sau.
Mazda cũng sẽ tiếp tục cải thiện vị trí ngồi lái, cách bố trí bàn đạp và tầm nhìn ra bên ngoài của tài xế. Đây là những nguyên tắc cơ bản để đảm bảo an toàn khi lái xe. Ngoài ra, họ sẽ phát triển những công nghệ an toàn tiên tiến hơn theo triết lý của hãng- Mazda Proactive Safety – nhằm hạn chế tai nạn giao thông đến mức tối thiểu.
Mazda cũng sẽ bắt đầu thử nghiệm các công nghệ tự lái, dự kiến sẽ cho ra mắt vào năm 2020 như là một phần của ý tưởng lấy con người làm trọng tâm Mazda Co-Pilot Concept nhằm mục đích đưa hệ thống trở thành một tính năng tiêu chuẩn cho tất cả các mẫu xe vào năm 2025. Họ cũng dự định tạo ra một mẫu xe thương mại mới sử dụng tính kết nối, cho phép các chủ xe có thể “hỗ trợ nhu cầu của người dân ở những vùng hẻo lánh” cũng như những người gặp khó khăn trong việc di chuyển.
Cuối cùng, Mazda sẽ phát triển mối quan hệ cảm xúc sâu sắc hơn giữa người lái và chiếc xe của mình bằng cách cải thiện cảm giác lái theo triết lý Jinba Ittai (người và ngựa là một) và tiếp tục phát triển ngôn ngữ thiết kế Kodo của họ. Họ muốn ” đưa thiết kế xe đạt đến mức nghệ thuật, có khả năng làm phong phú cuộc sống xúc cảm của tất cả những ai nhìn thấy nó. ”
Diễm Hằng