Phanh tự động khẩn cấp (AEB) có hoạt động trong mọi tình huống?

(News.oto-hui.com) – Phanh tự động khẩn cấp là tính năng an toàn hữu ích của ô tô, song cũng có những giới hạn về ngưỡng tốc độ có thể hoạt động.

AEB giúp giảm thiểu đáng kể những vụ va chạm

Phanh tự động khẩn cấp (Auto Emergency Braking – AEB) là một trong những tính năng quan trọng của gói an toàn chủ động (ADAS), được trang bị trên nhiều mẫu xe ô tô hiện đại ngày nay. Hệ thống AEB sử dụng cảm biến radar, laser hoặc camera để giám sát các nguy cơ và phát hiện khả năng va chạm với phương tiện giao thông, người đi bộ hoặc các mối nguy hiểm khác.

Khi phát hiện nguy cơ, hệ thống sẽ đưa ra cảnh báo bằng hình ảnh, âm thanh, rung vô-lăng hoặc kết hợp cả ba để nhắc nhở tài xế về nguy cơ tai nạn. Đồng thời, AEB hỗ trợ phanh với lực tối đa, và trong trường hợp nguy cơ va chạm cao, hệ thống có thể tự động phanh xe mà không cần người lái đạp phanh.

Phanh tự động khẩn cấp (Auto Emergency Braking - AEB)

Theo Viện Bảo hiểm An toàn Đường cao tốc Mỹ (IIHS), công nghệ phanh tự động khẩn cấp có thể ngăn chặn được 20% số vụ va chạm, tương đương với 1 triệu vụ mỗi năm tại Mỹ. Một nghiên cứu của chính quyền Úc năm 2013 cũng cho thấy, AEB có thể ngăn ngừa được 35% số vụ đâm xe từ phía sau và giảm nhẹ 53% số vụ va chạm.

Mới đây, Cơ quan An toàn giao thông cao tốc quốc gia Mỹ (NHTSA) đã thông qua điều luật quy định rằng đến năm 2029, tất cả mẫu ô tô hạng nhẹ mới bán ra ở Mỹ phải được trang bị đủ ba công nghệ: cảnh báo va chạm phía trước, phanh tự động khẩn cấp, và phanh tự động khẩn cấp khi gặp người đi bộ.

Tại Việt Nam, không chỉ các dòng xe sang mà phần lớn các thương hiệu phổ thông như Toyota, Hyundai, Honda, VinFast… đều đã trang bị hệ thống AEB trên nhiều dòng sản phẩm của mình.

Điểm hạn chế cần lưu ý về phanh tự động khẩn cấp (AEB)

Dù được đánh giá cao về tính hữu ích, hệ thống phanh tự động khẩn cấp (AEB) vẫn có những hạn chế và có thể không hoạt động trong một số điều kiện nhất định. Những thông tin này đều được ghi rõ trong sách hướng dẫn sử dụng (HDSD) của các hãng xe.

Phanh tự động khẩn cấp (Auto Emergency Braking - AEB)

Ví dụ, trên mẫu xe VinFast VF 9, nhà sản xuất đã đưa ra nhiều lưu ý và cảnh báo về hệ thống AEB trong sách HDSD và trên trang web chính thức. Cụ thể, VinFast nêu rõ: “Hệ thống Phanh khẩn cấp tự động phía trước có thể được kích hoạt khi vận tốc xe lớn hơn 5 km/h (6 mph) và thấp hơn 130 km/h (91 mph).” Như vậy, AEB sẽ không hoạt động ngoài dải tốc độ này.

HDSD của VF 9 cũng lưu ý rằng phanh tự động khẩn cấp không áp dụng khi người lái xe đang nhấn bàn đạp ga trong lúc AEB hoạt động và khi chướng ngại vật không còn được phát hiện.

Phanh tự động khẩn cấp (Auto Emergency Braking - AEB)

Trong phần hướng dẫn sử dụng tính năng kiểm soát hành trình thích ứng (ACC), HDSD của VF 9 nêu: “Do các hạn chế của điều kiện môi trường, radar hoặc camera phía trước có thể không phát hiện được các vật thể cố định khi di chuyển trên 60 km/h (37 mph).” Điều này có nghĩa là nếu đang bật ACC và đi với tốc độ trên 60 km/h, phanh tự động khẩn cấp có thể không hoạt động.

Phanh tự động khẩn cấp (Auto Emergency Braking - AEB)

Một ví dụ khác là Volvo với hệ thống phanh tự động City Safety. Hệ thống này có thể giảm tốc độ xe tối đa 50 km/h khi phát hiện nguy cơ va chạm với xe phía trước. Nếu chênh lệch tốc độ giữa xe Volvo và xe phía trước lớn hơn 50 km/h, City Safety không thể ngăn va chạm mà chỉ giúp giảm nhẹ thiệt hại.

Volvo cũng lưu ý rằng hệ thống City Safety “hoạt động khi người lái không đạp phanh kịp thời, đồng nghĩa với việc không thể hỗ trợ người lái trong mọi tình huống. Hệ thống được thiết kế để can thiệp muộn nhất có thể, nhằm tránh việc vô tình bị kích hoạt khi không cần thiết.”

Hệ thống hỗ trợ phanh của Mercedes-Benz, Active Brake Assist, hoạt động ở tốc độ từ 7-250 km/h. Tuy nhiên, nếu xe phía trước đang đứng im, hệ thống này chỉ hoạt động ở tốc độ từ 7-70 km/h.

Phần lớn các hãng xe cũng lưu ý rằng AEB có thể không hoạt động hoặc bị tắt hoàn toàn khi đang dùng tính năng kiểm soát hành trình thích ứng.

Các hãng đều khuyến cáo rằng AEB chỉ là tính năng hỗ trợ và có thể không hoạt động trong mọi tình huống giao thông, điều kiện thời tiết và mặt đường. Người lái cần luôn tập trung để chủ động xử lý tình huống.

Theo Hội nhập

Advertisement

Chia sẻ ý kiến của bạn