(News.oto-hui.com) – DN phụ trợ nội rất khó để chen chân vào chuỗi cung ứng sản xuất linh kiện ô tô cho các DN sản xuất, lắp ráp ôtô tại Việt Nam, nhưng lại xuất khẩu (XK) sang các nước Đông Nam Á, châu Âu, Úc, Mỹ, Nhật Bản… với số lượng lớn.
Khó cạnh tranh trên “sân nhà”
Thị trường nhỏ, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) chưa phát triển, linh kiện đắt là những lý do chính khiến giá xe lắp ráp ở Việt Nam cao hơn khu vực. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Hiếu – Trưởng Tiểu ban chính sách, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) – cho rằng, giá bán một nắp bình xăng xe hơi của các DN Việt Nam là 3,8 USD, trong khi tại Thái Lan là 1,5 USD. Theo đó, nếu mua của DN Việt Nam để lắp ráp sẽ khiến giá xe bị đắt hơn 2,3 USD so với ở Thái Lan.
Nếu tất cả phải mua trong nước, giá xe sẽ cao hơn nhiều. Điều đó cho thấy, nội địa hóa các linh kiện trong nước không có lợi thế so với nhập khẩu (NK). Đây là lý do chi phí sản xuất xe hơi tại Việt Nam đắt hơn Thái Lan, Indonesia từ 10-20%/chiếc xe.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lương Đức Toàn – Phó trưởng phòng Công nghiệp chế biến, chế tạo, (Cục Công nghiệp) – Bộ Công Thương – chỉ ra những nguyên nhân khiến thị trường sản xuất ôtô của Việt còn khiêm tốn. Cụ thể, hết năm 2019 mới bán được 400 nghìn xe, trong khi Thái Lan tiêu thụ trên 1 triệu xe. Theo tính toán của các DN, để tăng tỷ lệ nội địa hóa thì mỗi năm một DN phải bán được 500-600 nghìn xe.
Mặt khác, vật liệu cơ bản sản xuất linh kiện ôtô phải NK đã làm đội giá thành, khó cạnh tranh với sản phẩm ngoại khiến DN không mặn mà. Ngoài ra, năng lực của ngành CNHT còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu DN sản xuất, lắp ráp ôtô. Đặc biệt, chưa có DN đầu tàu dẫn dắt chuỗi cung ứng.
Dưới góc độ DN, ông Phạm Văn Tuấn – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Eco Việt Nam – cho biết, hiện có nhiều nguyên, vật liệu DN Việt Nam sản xuất được nhưng giá thành cao hơn so với sản phẩm NK. Kể cả NK nguyên liệu giá rẻ, nhưng khi về Việt Nam phải đóng các loại thuế, phí… khiến giá thành đội lên rất cao, chiếm từ 8-10% tổng chi phí.
Đại diện Tập đoàn Thành Công cũng cho hay, DN hỗ trợ trong nước mới chỉ cung cấp được các linh kiện hàm lượng công nghệ thấp như: Cần gạt mưa, ắc quy, lốp, dây điện… còn lại vẫn phải NK.
Xây dựng chính sách thuế linh hoạt
Để gia tăng nội địa hóa cho công nghiệp ôtô, đại diện Hiệp hội DN CNHT Việt Nam cho rằng, chính sách thuế rất quan trọng và cần có tính ổn định, nhằm khuyến khích DN xây dựng chiến lược đầu tư bài bản. Bên cạnh đó, khuyến khích DN sản xuất để XK phụ tùng, linh kiện và dần trở thành nhà cung cấp trong chuỗi giá trị của ngành ôtô khu vực và thế giới.
Riêng đối với ngành ôtô, một số loại vật tư, nguyên liệu trong nước chưa sản xuất được, thậm chí không thể sản xuất được do tính chuyên môn hóa cao như vòng bi, một số linh kiện điện tử… Những vật tư này nên được hưởng thuế NK 0%, hoặc ở mức rất thấp mang tính tượng trưng trong một thời gian dài.
Các chuyên gia cho rằng, linh hoạt trong chính sách thuế, giảm thuế cho linh kiện NK cũng là một phương án thúc đẩy ngành ôtô trong nước phát triển. Các hãng mong muốn, cơ quan chức năng nhanh nhạy trong cải cách thủ tục hành chính, thông quan và đề xuất ưu đãi thuế cho các linh kiện chưa thể gia công trong nước. Đồng thời, khi các hãng xe vào Việt Nam cũng cần phải có các cam kết như chia sẻ công nghệ, bí quyết vật liệu.
VAMA dự báo tới năm 2025, thị trường sẽ tiệm cận con số 1 triệu xe bán ra/năm, đây chính là cơ hội để các DN phát triển CNHT. Ngược lại, nếu không tận dụng tốt cơ hội này, CNHT ôtô Việt Nam sẽ tiếp tục đi sau các nước trong khu vực.
Bài viết liên quan:
- Các loại thuế phí xe hơi thay đổi thế nào trong năm 2021?
- Vì sao sản xuất nắp bình xăng ở Việt Nam lại đắt hơn Thái Lan gấp 2 lần?
- Liệu ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nên tập trung sản xuất phụ tùng thay vì chế tạo xe mới?