Luồng gió mới cho thị trường việc làm từ quyết định thành lập trường dạy nghề của VinFast?
Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm người có trình độ đại học trong nhiều năm trở lại đây đã tăng mạnh khiến dư luận luôn đặt câu hỏi: Phải chăng đang có độ vênh lớn giữa cung và cầu trên thị trường lao động?
Đầu tháng 2 năm nay, VinFast đã chính thức ra mắt Trung tâm Đào tạo Kỹ thuật viên Cơ điện tử và Cơ khí công nghiệp, đặt trong khuôn viên Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng). Mục đích của trung tâm là cung cấp nguồn nhân lực chủ động cho nhà máy.
Ông Nguyễn Viết Quang, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup – chủ đầu tư của Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast cho biết không chỉ tiền học của học viên là miễn phí mà học viên còn được nhận lương trong suốt 2,5 năm học.
Trung tâm được đầu tư bài bản trên mọi phương diện: cơ sở vật chất giảng dạy hiện đại, đội ngũ giảng viên trong và ngoài nước chuyên môn cao, được đào tạo từ Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Cộng hòa Séc và Đức. Đặc biệt, toàn bộ giáo trình và tài liệu giảng dạy được xây dựng theo tiêu chuẩn Đức – quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp nặng và cơ khí chính xác, hội tụ đầy đủ các cấp độ từ cơ bản đến nâng cao và chuyên sâu.
Ông Quang cũng cho biết trung tâm không có ràng buộc với học viên. Sau tốt nghiệp, học viên có thể tự do chọn VinFast để làm việc hoặc không. Như vậy, có thể hiểu bên cạnh mục đích chính của việc cung cấp chủ động nhân lực cho nhà máy, VinFast còn muốn góp phần đào tạo nhân sự trong hai ngành cơ điện tử và cơ khí công nghiệp cho xã hội.
Cung và cầu trên thị trường lao động trong nhiều năm nay luôn là bài toán đau đầu của các nhà quản lý. Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, trong quý III/2017, số người thất nghiệp có trình độ “đại học trở lên” là 237 nghìn người, tăng 53,9 nghìn người so với quý II/2017. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này là 4,51% (quý trước là 3,63%). Nhóm trình độ “cao đẳng” có 84,8 nghìn người thất nghiệp, tăng 2,2 nghìn người so với quý II/2017. Tỷ lệ thất nghiệp nhóm này giảm nhẹ xuống còn 4,88% nhưng vẫn ở mức cao nhất. Nhóm trình độ “trung cấp” có 95,5 nghìn người thất nghiệp, tăng 2,8 nghìn người, tỷ lệ thất nghiệp là 3,77%.
Con số 237 nghìn người có bằng cấp từ đại học trở lên vẫn thất nghiệp luôn là con số được nhiều người quan tâm. Bởi lẽ nó cho thấy có một sự lãng phí trong việc giáo dục và đào tạo.
Một khảo sát của World Bank cho biết kỹ năng và khả năng sẵn sàng của người lao động là mối quan tâm lớn nhất đối với người sử dụng lao động. Vấn đề hiện nay nằm ở chỗ phần lớn ứng viên không có khả năng phù hợp, cho dù đã kinh qua nhiều trường lớp đào tạo.
Bà Phạm Thị Ly (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho biết nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã phải mất 2 năm để “tẩy sạch” những gì sinh viên đã học và mất thêm 2 năm nữa để dạy những kỹ năng mà mình cần. Nghĩa là đang có độ vênh rất lớn giữa việc đào tạo của các trường lớp và nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.
Chính bởi vậy, việc làm của VinFast dường như rất thực tế trong bối cảnh hiện nay, vừa đáp ứng được nhu cầu của bản thân, đồng thời, tạo ra một luồng gió mới cho thị trường lao động, đặc biệt, khi sự phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo đang được dự báo sẽ tăng mạnh mẽ.
Hà Thu