Kỹ thuật viên kể chuyện dò máy nghe lén, camera trên ô tô

(News.oto-hui.com) – Theo anh Thức, một kỹ thuật viên của công ty chuyên cung cấp dịch vụ phát hiện máy nghe lén tại Hà Nội, dịch vụ dò tìm “bọ” hiện có nhu cầu cao vì ngày càng nhiều người bị xâm phạm quyền riêng tư.

Khách nhờ kiểm tra ô tô, quét “bọ” ngày càng nhiều

Theo thông tin từ Cục An toàn thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, mỗi năm đơn vị này nhận được hàng nghìn lượt phản ánh của người dân liên quan tới lừa đảo trên không gian mạng.

Theo các con số thống kê, số lượng GPS – thiết bị nghe lén bày bán trên thị trường mỗi năm lên tới gần 100.000 thiết bị, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền riêng tư cá nhân. Bởi vậy, mỗi người cần phải nâng cao khả năng bảo vệ thông tin cá nhân.

 Nhân viên kỹ thuật sử dụng máy để dò tìm các thiết bị nghe lén trong ô tô của khách (Ảnh: Doscom).
Nhân viên kỹ thuật sử dụng máy để dò tìm các thiết bị nghe lén trong ô tô của khách (Ảnh: Doscom).

Theo báo Dân trí, trên thị trường hiện nay, các thiết bị với chức năng định vị và nghe lén được bày bán rộng rãi với mức giá từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Có loại với mức giá cao hơn tích hợp cả định vị và ghi âm nghe lén thuộc dòng cao cấp.

Anh Thức, một nhân viên kỹ thuật làm việc tại công ty chuyên cung cấp dịch vụ phát hiện máy nghe lén, thiết bị định bị, camera ẩn ở Hà Nội nhận thấy, lượng khách tìm tới ngày một nhiều.

“Tôi vào nghề từ năm 2021. Qua mỗi năm, nhu cầu thị trường về tính bảo mật thông tin cá nhân ngày một lớn. Thậm chí ước tính khoảng 30% người sử dụng dịch vụ trở thành khách quen, thường xuyên quay lại định kỳ, nhờ kỹ thuật viên tìm kiếm các thiết bị theo dõi”, nam nhân viên kỹ thuật đang làm việc tại Hà Nội, nói.

Kỹ thuật viên của công ty Doscom phát hiện thiết bị nghe lén tích hợp định vị trong xe riêng của khách (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Khách hàng cũng muôn hình vạn trạng nhưng đều có chung mục đích cần cung cấp dịch vụ bảo mật ở mức cao nhất. Đa số những người tìm tới dịch vụ này bị lắp các thiết bị nghe lén, camera giám sát, định vị trên ô tô cá nhân. Có những thiết bị lắp ở vị trí hiểm hóc khiến kỹ thuật viên toát mồ hôi hàng buổi mới tìm ra được.

“Nếu nhân viên chỉ dò tìm thủ công, quá trình tìm kiếm rất khó khăn. Ví dụ, thiết bị định vị thường bị gắn ở những vị trí có thể luồn tay để lắp được hoặc chỗ khó hơn như kẽ ghế, gầm ô tô. Máy ghi âm thì hay bị lắp gần chỗ người lái xe, mặt táp lô trước hay trần xe.

Một số thiết bị nhỏ gọn chỉ bằng chiếc cúc áo, được gắn rất tinh vi nên khó lòng phát hiện bằng mắt thường. Khi dò xe cho khách, người thợ cần sử dụng thiết bị dò tần số sóng vô tuyến để phát hiện “bọ” nghe lén hay camera giấu kín. Phát hiện ra bất thường ở khu vực rà soát, máy sẽ phát âm thanh cảnh báo”, anh Thức mô tả.

Quy trình rà “bọ” thường mất 1,5-2 giờ, tùy độ khó và phức tạp từng ca. Có trường hợp, người thợ phải tháo lắp đèn trên trần ô to mới phát hiện thấy thiết bị nhỏ gọn nằm bên trong. Cũng nhiều trường hợp thiết bị được đặt rất khéo dưới sàn xe. Thông thường dịch vụ dò tìm có chi phí từ 1-1,5 triệu đồng.

Theo tìm hiểu, bên cạnh dò tìm trên ô tô, một số công ty lớn còn đặt lịch định kỳ để thợ tới xử lý, tìm kiếm thiết bị ẩn, định vị ẩn, nghe lén, ghi âm, camera ẩn ở văn phòng, nhà riêng.

Chuyện nghề thợ quét “bọ”

Với vài năm trong nghề, một kỹ thuật viên chuyên dò tìm camera giám sát (không tiết lộ danh tính) cho biết, 60% – 70% khách sử dụng dịch vụ vì nghi ngờ bị theo dõi, bị nghe lén, bị quay trộm bởi vợ hoặc chồng liên quan tới chuyện ngoại tình.

Khoảng 30% còn lại là khách nghi ngờ bị đối thủ trong làm ăn theo dõi nên cần bảo mật tối đa tính riêng tư cá nhân.

“Những khách liên quan tới hoạt động làm ăn đều cần sự bảo mật tối đa về lời nói, thông tin trao đổi. Có khách cho biết, họ bị đối thủ nhắn tin thông báo đã lắp định vị và nghe trộm trên xe, khẳng định không thể tìm ra được.

Người này yêu cầu lục tung ô tô để tìm… “bọ, rệp”. Cả nhóm thợ phải hợp sức, tập trung rà mới phát hiện được thiết bị gắn dưới gầm xe”, nam kỹ thuật viên kể.

Trường hợp khác, có vị khách liên tục bị gắn máy nghe lén. Mỗi lần mang xe đến dịch vụ rà “bọ”, tháo bỏ được thì chỉ 1-2 tháng sau, ô tô tiếp tục bị gài thiết bị nghe trộm. Từ đó, vị khách chọn cách lui tới kiểm tra định kỳ, thường xuyên để đảm bảo an toàn”, nam nhân viên kỹ thuật tiết lộ.

Với những trường hợp bị nghe lén do nghi ngờ vợ/chồng ngoại tình, anh Thức khẳng định dù không cổ xúy cho chuyện quan hệ ngoài luồng, theo nguyên tắc đảm bảo quyền tự do, riêng tư cá nhân và do tính chất công việc, các nhân viên vẫn phải loại bỏ “bọ”.

“Tôi từng nhiều lần rà tìm camera giám sát trên xe do vợ của khách hàng gắn vào vì nghi ngờ chồng ngoại tình. Và đương nhiên ở những tình huống này, tôi mong không phải gặp lại họ nữa. Thực sự thì bất kể các thiết bị cho dù được giấu giếm tinh vi tới đâu, với sự hỗ trợ từ máy móc, chúng tôi đều phát hiện, tìm ra được 100%”, anh quả quyết.

Với công việc hiện tại, anh Thức tiết lộ nhận được mức lương hợp lý so với mặt bằng chung.

Advertisement

Chia sẻ ý kiến của bạn