(News.oto-hui.com) – Dù gặp phải không ít rắc rối và mới đây nhất là vụ tai nạn chết người giữa xe thử nghiệm của Uber với một phụ nữ, xe tự lái vẫn là cái đích hướng tới của một loạt nhà sản xuất trong tương lai. Dưới đây là con đường tiến hóa của xe tự lái trong tương lai.
Khác với những công nghệ hỗ trợ lái xe như giữ làn đường, giữ khoảng cách như Tesla Autopilot, Volvo… ngày nay, xe tự lái trong tương lai sẽ không cần sự hiện diện của con người hoàn toàn, tức là nó tự đi, tự phanh nếu có chướng ngại vật, tự bẻ lái… Trong quá trình phát triển, người ta chia ra làm 5 cấp độ cho xe tự lái, định nghĩa này được hiệp hội kỹ sư xe hơi (SAE) đưa ra năm 2014.
Cấp độ 0: Tài xế kiểm soát
Thực tế, một số hình thức “thô sơ” của công nghệ tự lái đã nhen nhóm từ cách đây rất lâu. Vào thập kỷ 30, những chiếc xe trang bị hộp số tự động được quảng cáo với khả năng tự chuyển số giúp người lái. “Auto-pilot” là khái niệm Chrysler sử dụng vào những năm 50 để tiếp thị công nghệ điều khiển hành trình. Đây cũng là tên gọi mà Tesla dùng cho hệ thống bán tự lái trên các mẫu xe hiện nay của hãng.
Mặc dù vậy, tất cả tính năng này mới chỉ ở cấp độ 0 của công nghệ tự lái bởi tài xế vẫn phải ngồi sau vô-lăng để vận hành chúng.
Cấp độ 1: Công nghệ hỗ trợ người lái
Cấp độ 1 của công nghệ tự lái bao gồm các dòng xe hiện đại đi kèm công nghệ điều khiển hành trình hoạt động dựa trên radar. Theo đó, phương tiện tự đánh lái hay điều khiển tốc độ, nhưng không thể thực hiện đồng thời cả hai “nhiệm vụ”.
Tương tự cấp độ 0, tài xế vẫn đóng vai trò điều khiển các chức năng của xe, chỉ là giảm bớt được một vài công việc.
Cấp độ 2: Tự lái một phần
Vào thời điểm năm 2017, những hệ thống tự lái cao cấp hơn đã bắt đầu có mặt trên một số mẫu xe Tesla, Mercedes-Benz, Audi hay BMW, Cadillac. Mặc dù vậy, chúng mới chỉ ở cấp độ 2 trên con đường “tiến hoá”.
Ở giai đoạn này, phương tiện có khả năng đánh lái và điều khiển tốc độ nhưng vai trò quan trọng vẫn thuộc về tài xế. Autopilot của Tesla và các chương trình của Mercedes-Benz có thể thực hiện các thao tác như tăng/giảm tốc độ, chuyển làn, thậm chí tự động dừng xe nhưng không phải trong tất cả trường hợp. Người lái cũng cần đặt ít nhất một tay trên vô-lăng, nếu không, hệ thống sẽ vô hiệu hoá sau khoảng 10 giây.
Cấp độ 3: Tự lái có điều kiện
Theo Cheatsheet, tính đến nay mới có một mẫu xe đang ở cấp độ 3 của công nghệ tự lái, đó là Audi A8 2018. Các nhà sản xuất, bao gồm Ford và Volvo, cho biết họ sẽ không cung cấp những chiếc xe tự lái cấp độ 3 bởi một nguyên nhân: Người lái có quá nhiều trách nhiệm.
Ở giai đoạn này, các phương tiện có thể tự lái trong hầu hết tình huống mà tài xế không cần can thiệp nhiều. Tuy nhiên, nếu chiếc xe không thể xử lý trong một hoàn cảnh nào đó, tài xế vẫn là người chịu trách nhiệm. Do vậy, người lái luôn luôn phải chủ ý để kịp thời nắm quyền điều khiển khi cần thiết.
Cấp độ 4: Tự lái cấp độ cao
Ở cấp độ cao hơn, các phương tiện có thể tự lái hay dừng lại trong tất cả điều kiện, bao gồm những hoàn cảnh “nguy hiểm”, có thể còn tốt hơn con người. Ford và Volvo là hai nhà sản xuất tuyên bố sẽ cung cấp trên thị trường những mẫu xe tự lái Cấp độ 4 trong vòng 5 năm tới.
Cấp độ 5: Tự lái hoàn toàn
Đây là cấp độ cao nhất trên con đường “tiến hoá” của xe tự lái, cũng là cái đích mà không ít hãng xe đang hướng tới. Ở cấp độ 5, các phương tiện thậm chí không cần đến vô-lăng, bàn đạp ga, chân phanh hay cần chuyển số. Mọi công việc sẽ do phương tiện tự đảm nhận mà không cần bất cứ sự can thiệp nào từ con người. Lúc này, tài xế đóng vai trò như một hành khách và việc họ cần làm chỉ là nhập điểm đến trên hệ thống GPS.
Có thể nói, chặng đường tiến tới công nghệ tự lái cấp độ 5 còn khá xa (hầu hết dự đoán năm 2030) nhưng trong và năm qua, một số hãng cũng đã vén màn những mẫu concept “thiếu” vô-lăng và pedal, phần nào cho thấy hướng đi của xe tự lái trong tương lai.
Theo Zing
Bài viết liên quan: